Get Paid To Promote, Get Paid To Popup, Get Paid Display Banner

Wednesday, November 27, 2013

Khắp coọi phong tục tập quán độc đáo của người Tày Yên Bái

Trên mảnh đất Yên Bái, không chỉ có dân tộc Thái Mường Lò biết hát khắp mà dân tộc Tày cũng có hình thức sinh hoạt độc đáo đó. Ngoài ra, người Tày Yên Bái còn hát coọi. Hát khắp là “đặc sản” của người Tày Lục Yên, thì người Tày Yên Bình có hát coọi.



Trang phục thiếu nữ Tày Yên Bình.
Trong những dịp cưới xin, lễ hội, du xuân, trai thanh nữ tú đã hát đối đáp nhau để rồi “vương” lại bao nỗi nhớ nhung, hát để thay cho lời chào hỏi, ước hẹn, bằng cả tấm lòng của mình để kết nên tình yêu đôi lứa.

Mẹ dạy con gái những điệu khắp coọi.
Nếu quan họ của dân tộc Kinh vùng Bắc Ninh, các liền anh, liền chị có tình cảm, hát đôi với nhau không được phép lấy nhau thì ở đây người Tày hát khắp coọi là đi đến hôn nhân bền chặt.
Hát khắp khi lên giọng “ứ ơi” ngân dài rồi bắt vào lời hát luôn, còn hát coọi “ứ ơi ứ hợi” lên xuống để đủ độ ba nhịp mới bắt vào lời hát. Lời hát được chắt lọc hình thành trong lao động sản xuất, mượn hình ảnh hoa lá, ánh trăng, sông suối. Các loại hoa như hoa mạ, hoa bưởi, hoa phặc phiền…; chim có chim én, chim khảm khắc…
Trong lời hát khắp, hát coọi người ta mượn cỏ cây hoa lá để gửi tình gửi cảnh vào đó, diễn tả nỗi nhớ bạn lúc buồn da diết, lúc vui náo nức như tiếng vọng của núi non, của chim khảm khắc lẻ bạn, tâm tình với người mình thương nhớ. Các cụ già kể lại rằng, thời trai trẻ của mình đã hát đối đáp say sưa thâu đêm suốt sáng không biết mệt, đến đêm thứ ba phải có bài hát gọi vía quay về, nếu không hồn vía theo nhau xuống long cung không có loại thuốc nào cứu chữa nổi. Trong hát khắp coọi giao duyên ở người con gái bao giờ cũng kiệm lời hơn đợi bên trai lên giọng đến đôi lần, bên gái cảm thấy “lọt tai” tương xứng mới lên tiếng. Trước ngổn ngang đường vào xóm ngõ, bên trai có người lên tiếng:
“Con đường ba mươi ngả / Bản người chín mươi lối / Ba mươi lối về vòng/ Chín mươi lối về chụm/ Chỉ đường anh thăm bản táng mường em ơi…” (Sam síp qué tàng lạu / Cảu síp tó bản cần / Sam síp tó pây vòng / Cảu síp tàng mà cáp / Chỉ tàng hẩu pí thăm bản dương mường noọng nỏ).
Thấy bạn gái đang cầm đon mạ cấy ở ruộng người con trai hát:
“Em ơi bó mạ bao nhiêu nhánh/Để anh cung một nhánh được không? (Noọng hợi co chả kỷ lai theo/ Hâử pí chung co đeo đảy bấu).
Hoặc thấy bạn gái nón đội đầu:
“Em ơi! Nón cọ hay nón bạc/ Nón này đội hai người được không/ Đội được cho anh chung lối bước…” (Noọng hợi! Chúp cọ lụ chúp ngần/ Chúp nạy thủm soong cần đảy bấu / Thủm đảy pí so pậu nèm tàng).
Bên trai cứ tiếp tục hát, khi thấy không thể không cất lời đáp lại là không nên. Lúc này người con gái mới lên tiếng :
“Ơn anh ở khác bản lại thăm / Ơn người từ khác mường mới đến / Lời hay em không cho rơi giát  /Lời ngọt em không để rơi bùn / Em đem vào hòm bạc em khóa / Hôm nào về nhà chồng mới mở…” (Ơn pí dú táng bản mà dương / Ơn cần dú táng mường mà quá / Cằm đây noọng bấu hẩử tốc phạc / Cằm mịac noong bấu hẩử tốc tồm / Nọong au khảu hòm ngần noọng khỏa /Vằn hâư noọng mừa mả còi khay…).
Muốn dừng lại bản để hát tiếp khi chiều đã buông xuống:
Anh bước đến đầu bản chiều tà / Tay áo vẫy mặt trời không lại / Mặt trời đã vội vã về tây…/ Thân anh người cách xứ hỏi han / Ơn chủ có lòng thương thân thiết / Cho chúng tôi nghỉ trọ được không?…” (Dám mà thâng hua bản chại đăm / Khen sửa quắt tha vằn bấu tẻo / Tha vằn te khảm kéo mừa tây / Thân pí cần cách lặm so sam /  Ơn chủ mì  tọng thương thân thiết / Hẩu boong khỏi so tổ đảy bấu).
Người con gái đã khiêm tốn mời khách đến nhà mình:
Nhà em cột sa nhân / dựng dỏng dảnh trên đường / giát nhà bằng cây nứa / không chê dặm là ở anh ơi” (Lườn noọng sâu mạy nẻng / tẳng dóng dénh nưa tàng / phạc lườn phạc mạy piao / thân pí bấu chê cài là dú).
Đây mới là đoạn dọc đường những lời ướm hỏi đã được người con gái đáp lại, mời tới chơi nhà. Cứ thế họ hát đối đáp nhau từ mừng bản, mừng nhà, mừng cây đa bến nước, mừng cánh đồng ao cá, cây cau vườn trầu, thăm hỏi cha mẹ, xin trầu, mời trầu đến hát đối đáp nhau về hoa. Nam than, nữ ước du xuân xuống chơi long cung rồi hát rủ nhau lên xem số, chơi chim én, hát biệt bạn chia tay. Hát một đêm không hết hát tiếp các đêm sau. Có điều liên quan tới những trang “Khảm hải” (vượt biển) đã có ở vùng này. Những bài khắp coọi cũng rủ nhau lên thuyền dạo cảnh biển hồ.
“… Em xin mừng bến sông vực thẳm/ bè mảng người nhộn nhịp lại qua / thuyền nhỏ đánh cá nơi sông biển / thuyền to chở vòng xuyến bạc vàng …/ tiền bạc không có qua với bạn / một thân mình vò võ tương tư..” (Noọng đảy chồm biển hà vằng xanh / lừa pè nhộn pền danh lai lẳm / lừa nọ cần tức pia hải hố / lừa luông cần to của kim ngần…/ ngần bấu chèn nạy hắt dượng rừ / thân noọng hác tương tư khỏ nghị ).
Tất nhiên là dịp bạn trai mời bạn gái bước xuống thuyền cùng dạo cảnh:
“Mời em ngồi mảng bioóc cho an / mời em tựa thuyền hoa cho vững / hai ta cùng dạo chốn cảnh tiên / …” (Mời noọng nẳng tảng biooc hẩư an / mời noọng inh  lừa  va hẩử định / soong làu sày dạo chốn cảnh tiên).
Sau cuộc dạo chơi đó, khi đã đỗ bến bờ người con gái hát trả ơn:
Ơn anh chèo mảng bioóc được an / ơn anh đưa thuyền hoa giúp noọng / mười lần ơn xin trả ơn người / có bạc em trả anh đầy rá / có ngựa em thưởng anh cả yên / có lụa em trả anh cả thước/ chẳng có bạc em thưởng lời cho quan / chẳng có ngựa em thưởng tiếng cho người / cầu mong anh sớm nên gia thất/ nguyện cho người nhà cửa giàu sang…” (Ơn pí chèo lừa bioóc đảy an / ơn pí chèo lừa va súng noọng / síp ơn đé noọng bái ơn cần / mì ngần noọng nhằng thưởng tằng rả / mì mạ noọng nhằng thưởng tằng an / mì loàn noọng nhằng thưởng tằng thước / bấu mì ngần noọng thưởng pác hẩử quan / bấu mì mạ noọng thưởng cằm hẩử pí / pảo pí hẩử pền dảo éng bươn / pảo hẩử pì pền lườn sung túc…).
Ngày tháng qua đi những lần hát giao duyên đã dệt nên tình chồng vợ. Cũng có những đôi yêu nhau mà chẳng lấy được nhau, họ đã hát lời biệt bạn:
Ngọn diễn tiếng vàng anh thỏ thẻ / Thương nhau rồi chẳng lấy được nhau / Em về còn mười đôi chín bạn / Anh về là vò võ  một thân / Cất lời xin được nói cùng em / Giờ này mình còn hát với nhau / Lát nữa hai hồn đâu cách biệt / Tựa như chim ăn trái lìa tổ / Xa nhau biết bao giờ gặp lại / Giống như bụt nơi chùa bỏ hương/ Xa em bao tháng ngày thấy mặt / Xa anh về khác xứ hãy thương / Giờ em lập gia đình khác bản / Mỗi tối em buông màn vào ngủ / Em hãy sắp thêm gối cho anh / Vía anh luôn bên mình kết bạn / Ngộ nhỡ anh mơ thấy cũng nên / Bữa ăn đặt xuống mâm hai đũa / Trầu cau đặt vào nơi hẹn ước / Vía anh luôn bên bạn vía nàng / Anh nhắm em đường xa nhớ nhé!” (Vàng anh chếp chai mười tiểng sáy / Thương căn là bấu đảy pền đôi / Noọng mừa nhằng síp đôi cảu ban / Pí mùa là lãng đạng một thân / Cất tiểng đuổi kình châm bạn hản / Giờ này là nhằng cảng đuổi căn /  Dếp nọi thêm soong khoăn lại piạc / ý như nộc kin mác tả lằng / Pịac noọng chắc kỷ bươn hăn nả / phít pí pây táng xạ cỏi thương / Giờ noọng tẻo định lườn táng bản / Piầu giá noọng khang mản khảu nòn / Noọng cỏi chứ tặt mon hẩử pí / Khoăn pí pậu noọng nhí khừn vằn / Ngộ vạ pí phăn hăn bấu lụ / Chin khảu tặt soong thú lồng bâm / Nhàu mác còi tặ lồng tin mản / Khoăn pí mừa kết bạn đuổi nàng / Pí sắng noọng khảo bang cỏi chứ).
Cứ thế, những câu hát, lời ca truyền từ đời này sang đời khác để ngân lên mỗi dịp tết đến xuân về hay tại các lễ hội, cưới xin để cho nam thanh, nữ tú nên duyên chồng vợ. Song giờ đây, trước sự khắc nghiệt của thời gian và vòng xoay của kinh tế thị trường, thế hệ trẻ người Tày Yên Bái không phải người trẻ nào cũng biết hát khắp cọi. Cần lắm, việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy không chỉ bản sắc văn hóa người Việt nói chung mà của cả dân tộc Tày vùng sông Chảy Yên Bái nói riêng.

Khau cút nét văn hoá tâm linh trong tín ngưỡng người Thái Tây Bắc

Trong toàn bộ nền văn hoá vật chất (văn hoá vật thể) của dân tộc Thái Tây Bắc, ngôi nhà sàn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, nếu như không muốn nói là quan trọng nhất. Nó quan trọng không chỉ ở giá trị vật chất đo đếm được bằng khái niệm định lượng, mà còn ở phạm trù tâm linh - tín ngưỡng. Và ở đó, cái khau cút trên các chái nhà, từng là đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian...

Nói về sự tích và ý nghĩa của biểu tượng Khau cút có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng đó là cặp sừng trâu cách điệu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước. Có ý kiến cho rằng với trang trí hoạ tiết hoa sen, Khau Cút có ít nhiều liên quan tới đạo Phật. Lại có ý kiến cho rằng, với hoạ tiết hình trăng, Khau cút gắn với cuộc thiên di tìm miền đất hứa của người Thái ở thế kỷ XI, anh em luôn nhớ về nhau.
Chuyện rằng ngày ấy đã lâu lắm rồi, lâu đến mức ngay cả những người già nhất bản, già nhất mường và thậm chí những bậc cao niên nhất của dân tộc Thái, cũng không còn biết đó là khi nào. Nghe nói, sau những cuộc binh đao triền miên, một bộ phận người Thái đã buộc phải ra đi tìm đất sống. Chuyện này, theo các nhà nghiên cứu, xảy ra những hơn 1.000 năm trước, kể từ khi hai anh em trai Tạo Xuông và Tạo Ngần dẫn quân xuôi dòng Nậm Tao (thế kỷ XI). Trước khi ngậm ngùi rời quê hương xứ sở để thiên di về phương Nam, lời hẹn buổi loạn ly của tổ tiên người Thái là: Dù ở bất cứ phương trời nào, khi làm nhà hãy nhớ gắn trên mỗi đầu nóc chái nhà một cái dấu tương tự như hình mặt trăng khuyết, để sau này các thế hệ hậu duệ có thể qua đó mà nhận ra dòng giống của mình. Và rồi, hơn 2.000 năm qua kể từ thế kỷ thứ III - II trước Công nguyên, cái dấu mang hình mặt trăng khuyết trong truyền thuyết đã như một lời nguyền truyền kiếp, trở thành cái khau cút quen thuộc gắn với đời sống văn hoá, đời sống tâm linh của tộc người Thái Tây Bắc hiện nay.
Giờ đây, mỗi khi gặp một bản bất kỳ của đồng bào Thái, hình ảnh đầu tiên mà thị giác chúng ta thu được, chính là cái khau cút trên nóc mỗi ngôi nhà sàn truyền thống. Như mọi người đều biết: Cũng là dân tộc Thái, nhưng chỉ ngành Thái đen mới có khau cút, chứ ngành Thái trắng không có khau cút. Mặc dù cả hai ngành Thái đều di cư vào nước ta (ngành Thái trắng do thủ lĩnh Nhọt Chăm Cằm dẫn đầu), tuy từ hai điểm xuất phát khác nhau. Ngoài truyền thuyết về cái khau cút, người Thái còn có truyền thuyết về ngôi nhà sàn (đúng hơn là về cái chái nhà sàn). Song cũng giống như cái khau cút, chỉ ngành Thái đen mới có truyền thuyết về ngôi nhà sàn, chứ ngành Thái trắng thì không. Truyền thuyết của người Thái đen kể rằng thuở khai thiên lập địa, tổ tiên của họ được thần rùa (tiếng Thái là Pua tấu), dạy cho cách làm nhà theo dáng dấp con rùa đứng. Con người trông vào đấy mà tưởng tượng, chân rùa là những cột nhà, mai rùa là mái nhà. Do vậy chái nhà người Thái đen khum khum hình cái mai rùa, trong khi chái nhà người Thái trắng lại theo mặt phẳng nghiêng, có góc hẳn hoi.
“Khau cút” là một biểu tượng trang trí trên nóc nhà sàn, dùng để chắn gió cho mái tranh hai đầu hồi của nhà người Thái Đen Tây Bắc. Khau cút gồm hai thanh gỗ bắt chéo nhau hình chữ X, đóng trên hai đầu đòn nóc - tiếng Thái là “tiêu bôn”. Trên “Khau cút”, thiên nhiên từ thực tế cuộc sống bước vào đời sống nghệ thuật của người Thái một cách sống động với búp cây guột, hoa sen, hình trăng khuyết ... “Khau cút” không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà, mà còn ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Không chỉ xuất hiện trên nóc hoặc ở đầu hồi ngôi nhà, mà khau cút còn có mặt ở một số bộ phận khác trong nhà sàn Thái (khau hươn chẳng hạn), đặc biệt trên bề mặt sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh,  là chiếc khăn piêu tạo nên một vẻ duyên dáng và gần gũi. Bên cạnh các hình trang trí bằng những cặp “tín xáo”, kiểu vắt chỉ thành từng nhóm 2, 3, hoặc 4 đường song song; hoặc hình con cua, con nhện, hình ngôi sao cách điệu; bốn góc khăn đư­ợc kết thành “tai piêu” và nổi bật là những nhóm 2, nhóm 3, nhóm 4 hay nhóm 5 cút piêu. Từ đó, có thể kết luận rằng cái khau cút đã trở thành một mô típ hoa văn nghệ thuật tiêu biểu và độc đáo, của tộc người Thái Tây Bắc.
Hiện nay thời đại mới bình đẳng bình quyền, nên khi làm nhà ai muốn làm khau cút thế nào tuỳ ý. Nhưng trong quan niệm của xã hội Thái phong kiến, những gia đình ở địa vị hèn sang khác nhau phải sử dụng những kiểu dáng khau cút khác nhau. Với những gia đình nông dân nghèo khổ, không có vai vế gì trong xã hội, thì chỉ được dùng loại cút quai (cút sừng trâu) hoặc cút mải (cút sừng dê). Loại cút quai hoặc cút mải chế tác rất đơn giản, chỉ cần có hai thanh tre (hoặc gỗ) đặt chéo lên nhau, đóng vài cái đinh tạo thành hình dấu nhân là xong. Với những gia đình có nhiều con cháu, điều kiện kinh tế thuộc hàng trung lưu, thì dùng loại cút căm hoặc cút chim mang hình chiếc lá tre. Loại cút này thường làm bằng gỗ, khắc nhiều hoa văn , họa tiết, có một thanh gươm bên dưới tượng trưng cho quyền lực. Loại cút mà dân gian gọi là “cút vua ban” có hình lá sen, chỉ dành cho những gia đình giàu sang quyền quý, chủ yếu là đám chức sắc phìa tạo. Ngoài ra, trong thực tế còn một kiểu khau cút với 3 đầu cút vươn ra không gian, khiến nhiều người nghĩ đến con số 3 tâm linh của đồng bào Thái. Dáng dấp của loại cút này cũng gợi sự liên tưởng thú vị đến dáng dấp của cây phắc cút (rau dớn), với những cái vòi uốn cong điệu đàng. Đó là loại rau mọc hoang, ăn ngon, rất thích nghi với môi trường ẩm thấp ven sông bờ suối, phù hợp với địa hình cư trú truyền thống của tộc người Thái.
Song dù Khau cút mang hình dáng và có những ý nghĩa như thế nào, thì hình tượng Khau cút đó góp phần không nhỏ làm phong phú thêm nền văn hoá của dân tộc Thái và mỗi người Thái Đen Tây Bắc. Mỗi khi bắt gặp hình tượng Khau cút trên nóc ngôi nhà sàn thân thương lại thêm ấm lòng, gắn bó hơn với gia đình, bản mường, đất nước với những giá trị tinh tuý, nguyên bản, cổ sơ như “lời hẹn” da diết ngày chia tay của tổ tiên mấy nghìn năm trước.

Trang phục độc đáo người Dao đỏ

Người Dao đỏ ở Yên Bái còn gọi là người Dao Sừng hay Dao Đại Bản. Sự gần gũi với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá và các loài động vật được thể hiện sinh động trên các bộ trang phục rực rỡ do phụ nữ Dao đỏ làm ra.


Để phân biệt giữa nhóm người Dao đỏ với người Dao quần chẹt hay Dao quần trắng chủ yếu người ta dựa vào sự khác nhau trên bộ trang phục. Trang phục của người Dao đỏ gọi là “Luy hâu” có nghĩa là trang phục áo, quần. Muốn tạo được một bộ trang phục nữ người Dao đỏ đẹp cần có 5 màu cơ bản, nhưng chủ yếu là màu đỏ để làm phụ tiết.
Trang phục của người Dao đỏ lấy vải trắng làm nền thêu hoa văn bằng các sợi tơ và chỉ to, nhỏ với 5 màu cơ bản gồm: trắng, đen, xanh đỏ, vàng và có thêm màu tím, màu nâu. Cùng đó là các vật liệu không thể thiếu như hạt cườm, len làm quả bông hay cúc áo làm bằng nhựa, vỏ trai hoặc kim loại... để làm nên một bộ y phục độc đáo của phụ nữ Dao đỏ.
Chiếc khăn đội đầu của người Dao đỏ được trang trí hết sức cầu kỳ với các hình thêu vết chân hổ, cây vạn hoa, hình cách đoạn… Tính từ ngoài vào hoa văn trên khăn có 5 lớp được bao quanh ô vuông “tâm điểm” của khăn. Khi thiếu nữ Dao đội lên đầu các hoa văn, họa tiết sẽ phô ra ngoài. Các tua len trên khăn được làm bằng sợi len, có tua rua bằng sợi tơ đỏ. Các họa tiết trên tua rua gồm hình vết chân hổ, hình gấp khúc, cây thông...
Hoa văn trên chiếc áo bé của người dao đỏ cũng hết sức cầu kỳ, tập trung chủ yếu ở phần ngực, cổ và lưng. Chiếc áo bé này được làm khéo léo để khi mặc áo dài trùm bên ngoài, các hoa văn, họa tiết tinh tế không bị che lấp mà phô ra. Các hoa văn trang trí trên ngực áo bé là cách đính cúc hoa bạc theo chiều dọc ở giữa áo. áo bé được mặc trong và áo dài mặc ngoài, hàng hoa bạc được nằm xen giữa hai hàng quả bông len đỏ. Các hoa văn phía thân sau áo bé được thêu theo chiều dọc của áo, là các họa tiết hình cây thông.
Với người Dao, hình cây thông chính là hình đuôi chó được cách điệu còn hình dấu chân hổ là hình chân chó cách điệu mà họ vẫn đang thờ. Ngoài ra thân áo còn có hình hoa kiệu, hình thập ngoặc, hình răng cưa… được thêu ở hai bên, cúc hoa bạc được đính ở giữa rất đẹp. Khi mặc, phần thân của áo bé sẽ lộ ra các hoa văn thêu, đính vải, ghép vải hình răng cưa rất tỉ mỉ.
Trên áo dài của người Dao đỏ, các hoa văn được trang trí tập trung ở viền nẹp ngực tà áo và đầu ống tay áo với các họa tiết hình dấu chân hổ, hình răng cưa, hình quả trám… Nẹp ngực ở mỗi bên có đính 7 quả bông len đỏ và các tua len được đính ở nơi xẻ tà. ở dây lưng, hoa văn được trang trí tập trung ở hai đầu với các hình như cây thông, dấu chân hổ, người mặc váy… Khi thắt dây lưng phải cuốn 3 đến 4 vòng rồi buộc chặt ở phía sau.
Quần của người Dao đỏ được thêu thùa hoa văn, họa tiết tỉ mỉ hơn. Phía nửa dưới của hai ống quần là các họa tiết hình vuông, chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng, cây thông, hình quả trám… Bên trong các hình trên là các họa tiết hình dấu chân hổ, răng cưa, người mặc váy... Sở dĩ phẩn trên quần không thêu vì khi mặc áp dài vào sẽ che lấp nên chỉ thêu phần dưới tạo sự cân đối hài hòa.
Hoa văn trang trí trên tạp dề của người Dao đỏ cũng hết sức cầu kỳ. Tạp dề có 2 loại, một loại sử dụng trong đám cưới và một loại trong lễ Cấp sắc. Các hoa văn trang trí chủ yếu trên tạp dề là hình quả trám vuông có chữ “vạn”, hình răng cưa, hình cây thông… Viền của tạp dề có các tua len màu đỏ, khi đã mặc quần áo, thắt lưng xong sẽ cuốn tạp dề ở ngoài cùng để che phần vải không thêu hoa văn của áo dài và tăng thêm vẻ sang trọng của bộ lễ phục.
Với bàn tay khéo léo, cần mẫn cùng trí tưởng tượng phong phú mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao, người  Dao đỏ Yên Bái đã làm nên những bộ trang phục độc đáo, mang bản sắc riêng của mình./.

Wednesday, April 6, 2011

Nhà sàn - Nét văn hóa riêng của người Thái Mường Lò Yên Bái

Người Thái Đen có nguồn gốc cư trú từ lâu đời tại Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái) và có một nền văn hóa phong phú với đời sống tinh thần và tập quán truyền thống luôn được đề cao và phát huy. Trong đó nhà sàn người Thái - "hướn hạn phủ táy" là một nét văn hóa độc đáo và thú vị, là một chỉnh thể thống nhất giữa tính khoa học, hợp lý và mỹ quan.

Khau cút - nét văn hoá, tâm linh trong tín ngưỡng người Thái Tây Bắc

Trong toàn bộ nền văn hoá vật chất (văn hoá vật thể) của dân tộc Thái Tây Bắc, ngôi nhà sàn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, nếu như không muốn nói là quan trọng nhất. Nó quan trọng không chỉ ở giá trị vật chất đo đếm được bằng khái niệm định lượng, mà còn ở phạm trù tâm linh - tín ngưỡng. Và ở đó, cái khau cút trên các chái nhà, từng là đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian...

Khắp coọi - phong tục tập quán độc đáo của người Tày Yên Bái

Trên mảnh đất Yên Bái, không chỉ có dân tộc Thái Mường Lò biết hát khắp mà dân tộc Tày cũng có hình thức sinh hoạt độc đáo đó. Ngoài ra, người Tày Yên Bái còn hát coọi. Hát khắp là “đặc sản” của người Tày Lục Yên, thì người Tày Yên Bình có hát coọi. Trong những dịp cưới xin, lễ hội, du xuân, trai thanh nữ tú đã hát đối đáp nhau để rồi “vương” lại bao nỗi nhớ nhung, hát để thay cho lời chào hỏi, ước hẹn, bằng cả tấm lòng của mình để kết nên tình yêu đôi lứa.