Get Paid To Promote, Get Paid To Popup, Get Paid Display Banner

Wednesday, November 27, 2013

Trang phục độc đáo người Dao đỏ

Người Dao đỏ ở Yên Bái còn gọi là người Dao Sừng hay Dao Đại Bản. Sự gần gũi với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá và các loài động vật được thể hiện sinh động trên các bộ trang phục rực rỡ do phụ nữ Dao đỏ làm ra.


Để phân biệt giữa nhóm người Dao đỏ với người Dao quần chẹt hay Dao quần trắng chủ yếu người ta dựa vào sự khác nhau trên bộ trang phục. Trang phục của người Dao đỏ gọi là “Luy hâu” có nghĩa là trang phục áo, quần. Muốn tạo được một bộ trang phục nữ người Dao đỏ đẹp cần có 5 màu cơ bản, nhưng chủ yếu là màu đỏ để làm phụ tiết.
Trang phục của người Dao đỏ lấy vải trắng làm nền thêu hoa văn bằng các sợi tơ và chỉ to, nhỏ với 5 màu cơ bản gồm: trắng, đen, xanh đỏ, vàng và có thêm màu tím, màu nâu. Cùng đó là các vật liệu không thể thiếu như hạt cườm, len làm quả bông hay cúc áo làm bằng nhựa, vỏ trai hoặc kim loại... để làm nên một bộ y phục độc đáo của phụ nữ Dao đỏ.
Chiếc khăn đội đầu của người Dao đỏ được trang trí hết sức cầu kỳ với các hình thêu vết chân hổ, cây vạn hoa, hình cách đoạn… Tính từ ngoài vào hoa văn trên khăn có 5 lớp được bao quanh ô vuông “tâm điểm” của khăn. Khi thiếu nữ Dao đội lên đầu các hoa văn, họa tiết sẽ phô ra ngoài. Các tua len trên khăn được làm bằng sợi len, có tua rua bằng sợi tơ đỏ. Các họa tiết trên tua rua gồm hình vết chân hổ, hình gấp khúc, cây thông...
Hoa văn trên chiếc áo bé của người dao đỏ cũng hết sức cầu kỳ, tập trung chủ yếu ở phần ngực, cổ và lưng. Chiếc áo bé này được làm khéo léo để khi mặc áo dài trùm bên ngoài, các hoa văn, họa tiết tinh tế không bị che lấp mà phô ra. Các hoa văn trang trí trên ngực áo bé là cách đính cúc hoa bạc theo chiều dọc ở giữa áo. áo bé được mặc trong và áo dài mặc ngoài, hàng hoa bạc được nằm xen giữa hai hàng quả bông len đỏ. Các hoa văn phía thân sau áo bé được thêu theo chiều dọc của áo, là các họa tiết hình cây thông.
Với người Dao, hình cây thông chính là hình đuôi chó được cách điệu còn hình dấu chân hổ là hình chân chó cách điệu mà họ vẫn đang thờ. Ngoài ra thân áo còn có hình hoa kiệu, hình thập ngoặc, hình răng cưa… được thêu ở hai bên, cúc hoa bạc được đính ở giữa rất đẹp. Khi mặc, phần thân của áo bé sẽ lộ ra các hoa văn thêu, đính vải, ghép vải hình răng cưa rất tỉ mỉ.
Trên áo dài của người Dao đỏ, các hoa văn được trang trí tập trung ở viền nẹp ngực tà áo và đầu ống tay áo với các họa tiết hình dấu chân hổ, hình răng cưa, hình quả trám… Nẹp ngực ở mỗi bên có đính 7 quả bông len đỏ và các tua len được đính ở nơi xẻ tà. ở dây lưng, hoa văn được trang trí tập trung ở hai đầu với các hình như cây thông, dấu chân hổ, người mặc váy… Khi thắt dây lưng phải cuốn 3 đến 4 vòng rồi buộc chặt ở phía sau.
Quần của người Dao đỏ được thêu thùa hoa văn, họa tiết tỉ mỉ hơn. Phía nửa dưới của hai ống quần là các họa tiết hình vuông, chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng, cây thông, hình quả trám… Bên trong các hình trên là các họa tiết hình dấu chân hổ, răng cưa, người mặc váy... Sở dĩ phẩn trên quần không thêu vì khi mặc áp dài vào sẽ che lấp nên chỉ thêu phần dưới tạo sự cân đối hài hòa.
Hoa văn trang trí trên tạp dề của người Dao đỏ cũng hết sức cầu kỳ. Tạp dề có 2 loại, một loại sử dụng trong đám cưới và một loại trong lễ Cấp sắc. Các hoa văn trang trí chủ yếu trên tạp dề là hình quả trám vuông có chữ “vạn”, hình răng cưa, hình cây thông… Viền của tạp dề có các tua len màu đỏ, khi đã mặc quần áo, thắt lưng xong sẽ cuốn tạp dề ở ngoài cùng để che phần vải không thêu hoa văn của áo dài và tăng thêm vẻ sang trọng của bộ lễ phục.
Với bàn tay khéo léo, cần mẫn cùng trí tưởng tượng phong phú mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao, người  Dao đỏ Yên Bái đã làm nên những bộ trang phục độc đáo, mang bản sắc riêng của mình./.

No comments:

Post a Comment