Các cô gái vừa cán bông, kéo sợi, thêu thùa... vừa thân mật chuyện trò tiếp đón các bạn trai.
Người Thái ở Tây Bắc có rất nhiều hình thức sinh hoạt văn nghệ trong các dịp cưới xin, mừng nhà mới, mừng cơm mới... Đó là những dịp vui chơi, múa hát, thi trống, thi chiêng nhộn nhịp, đông vui. "Hạn khuống", nơi tụ hội đông vui, thường sinh hoạt vào các buổi tối mùa thu, và mùa đông khô ráo, công việc mùa màng tương đối nhàn rỗi. Đó cũng là mùa có bông, có sợi để cho các thiếu nữ Thái vừa hát đối đáp với bạn trai vừa trổ tài cán bông, kéo sợi, thêu thùa, may vá...
Cách đây không lâu, bản Thái nào cũng có từ dăm ba đến hàng chục "Hạn khuống". "Hạn khuống" là linh hồn của bản mường, tượng trưng cho sự no ấm, phồn vinh của xã hội Thái. "Hạn khuống" nghĩa tiếng Thái là sân sàn, tức là một cái sàn dựng ở ngoài trời, có hình vuông hoặc chữ nhật với diện tích 15 - 20 m2. Sàn được làm cao cách mặt đất 1 - 1,5 m, mặt sàn lát bằng tre hoặc phên nứa, chung quanh thưng bằng phên đan mắt cáo hay chấn song bằng tre, gỗ. Quanh sàn có lan can, trang trí hoa văn. Giữa sàn dựng cây nêu là một cây tre to, dài, để lại cả phần ngọn và được trang trí các con giống đủ màu. Từ gốc tới ngọn cây được sơn hoặc dán giấy nhiều mầu. Giữa sàn có một bếp lửa để cung cấp ánh sáng và sưởi ấm vào các đêm hò hát.
Đáng chú ý, "Hạn khuống" được trang trí năm cây nêu mà người Thái gọi là lắc xáy. Cột lắc xáy làm bằng những cây bương lớn, phát hết cành lá ở thân, chỉ để lại chùm lá trên ngọn chót. Thân lắc xáy được sơn thành những đoạn xanh, đoạn đỏ, cứ khoảng 2m người ta lại treo một vòng tròn bằng tre mà chung quanh có gắn những hình nộm, chim, ve, các loại hoa quả... sắc mầu rực rỡ. Trong năm lắc xáy có một cây chính dựng ngay cạnh bếp lửa mang bóng dáng của cây vũ trụ, còn bốn cây kia dựng bốn góc sàn đều trang trí đẹp mắt. Bốn góc ấy đều có thang để lên xuống. Sàn này được gọi là “Sàn hoa Hạn Khuống”. Chủ “Hạn Khuống” gọi là “Sao tổn Khuống” thường là những thiếu nữ xinh đẹp, được mọi người yêu quý, đặc biệt có tài ứng đối, hát giỏi. Bốn cô được bố trí ở bốn nơi có cầu thang gọi là “Sao lắc xáy”. Trong khi sinh hoạt, mỗi "Hạn khuống" có một nhóm sao lắc xáy, gồm 5 - 10 cô gái, trong đó có một trưởng nhóm (tổn khuống) người được ngồi ở chân "lắc xáy gốc".
"Hạn khuống" mang đậm tính quần chúng, do các thiếu nữ Thái trong các bản đứng ra tổ
Hạn Khuống là linh hồn của bản mường
chức và quản lý sinh hoạt, nhưng được thanh niên nam tham gia giúp đỡ xây dựng, được các cụ già và mọi người ủng hộ, giúp đỡ sinh hoạt. Đêm khánh thành "Hạn khuống", nam thanh, nữ tú trong bản tới góp rượu, thịt... mời mọi người trong bản ăn mừng tại chỗ và từ đó những đêm sinh hoạt "Hạn khuống" bắt đầu.
Trước tiên, tổn khuống và các xao lắc xáy ngồi vào vị trí của mình. Họ vừa cán bông, kéo sợi, thêu thùa... vừa thân mật chuyện trò tiếp đón các bạn trai. Trong đêm thơ mộng, ngọn lửa "Hạn khuống" sáng lung linh, các cột lắc xáy lấp lánh muôn mầu sắc, thanh niên trong vùng rủ nhau đến các "Hạn khuống", mỗi đoàn cử ra 1 - 2 người đàn hay, hát giỏi để đối đáp xin được lên sàn. Sau những cuộc hát đối đáp, thử thách khá kỹ lưỡng, tổn khuống cho phép các chàng trai lên sàn tham gia sinh hoạt. Đây cũng là lúc thể hiện tài năng đối đáp, ứng tác của các chàng trai cô gái và những khúc tình ca da diết, bay bổng trong tiếng nhạc rạo rực đắm say.
Đây là lời của chàng trai ở bản khác tới:
Anh từ bản xa nhìn thấy lửa
Nhìn thấy bóng áo chàm của em
Nhìn thấy má hồng muốn hỏi thăm
Nhìn thấy “sàn hoa” muốn đến chơi
Lời hát ý nhị nhưng không kém phần bạo dạn, cô gái hát đáp lại:
Anh từ nơi nào tới
Rau ai mà lạc vườn này
Chồng ai mà lạc vào phòng phượng loan?
Tuổi xuân, tình yêu, các cô gái thả hồn mơ mộng:
Đêm trăng sáng
Tâm hồn em như muốn phiêu diêu
Chơi tha thẩn bên bờ cát trắng
Bờ cát trắng lấp lánh ánh trăng
Chờ tiếng pí anh
Luồn qua sương, luồn qua chân núi
Đến với em trong ánh trăng ngời ngời
Cứ thế, cuộc đối đáp mỗi lúc một say sưa, có lúc toàn thể người xem cùng cất tiếng hò hưởng ứng sôi động cả trời đêm. Khi các cô gái nhượng bộ bắc thang cho các chàng trai lên sàn hoa, các chàng trai lại phải hát tiếp để được mời ngồi, mời nước, mời thuốc… diễn ra đến tàn đêm.
Thường thì, những ai đã quen biết đều được tự do lên sàn tham gia, những người lạ phải qua thử thách. Các cụ già, người lớn tuổi đến "Hạn khuống" để góp vui, dạy dỗ, chỉ bảo con cháu lời nói đẹp, câu hát hay. Trẻ em đến "Hạn khuống" vừa chung vui, vừa học ăn, học nói, học hát, học quay xa, kéo sợi... Hết hát lại nói đối đáp, hết đối đáp lại cười vui.
Câu chuyện "Hạn khuống" tưởng như không bao giờ kết thúc. Từ chuyện của bản, của mường đến chuyện riêng của mỗi gia đình, mỗi thành viên; từ chuyện yêu đương lứa đôi, đến chuyện đi nương, đi rẫy... đều trở thành những đề tài đối đáp ở "Hạn khuống". Càng về khuya, "Hạn khuống" càng đi vào chiều sâu của tâm linh, ý tứ, các cô gái quây quần bên bếp lửa trò chuyện, đối đáp với các chàng trai. Nhiều đôi trai gái tâm đầu, ý hợp, từ sinh hoạt "Hạn khuống" đã thành vợ, thành chồng ăn đời, ở kiếp hạnh phúc với nhau.
Hạn Khuống” có thể diễn ra trong nhiều ngày, với nhiều hình thức vui chơi, giải trí. Tung còn, múa sạp, múa nón, múa khăn, múa chén… kết hợp với hát đối ứng tác và có sự phụ hoạ của cả đám đông, tối đến là sinh hoạt chủ yếu của “Hạn Khuống”-Hát giao duyên.
"Hạn khuống" không những chỉ là nơi sinh hoạt văn nghệ, nơi để nam thanh nữ tú đến tìm hiểu nhau, mà còn là nơi trao đổi, bàn bạc mọi công việc của cả cộng đồng, của mỗi gia đình và của mỗi thành viên. "Hạn khuống" còn là nơi để dạy dỗ và giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ trong cộng đồng người Thái. Các đêm "Hạn khuống" đã mang lại sự nghỉ ngơi, không khí ca hát lành mạnh, làm nhộn nhịp, ấm áp bản mường của đồng bào Thái.
Lễ Hạn Khuống do nhà các cô gái tổ chức. Thực ra đây là một cuộc vui để tìm hiểu bạn đời sau đó chia tay về nhà chồng. Chính vì vậy, Hạn Khuống đã để lại biết bao kỷ niệm và ấn tượng đẹp của một thời trẻ trung sôi nổi.
Mỗi độ hoa ban đua nở trắng đất trời Tây Bắc là lúc xuân về, sàn diễn dân gian “Hạn Khuống” kết thúc để người dân bước vào vụ mới, song dư âm ngày hội khúc tình ca bay bổng bốn phương trời.
No comments:
Post a Comment