Get Paid To Promote, Get Paid To Popup, Get Paid Display Banner

Wednesday, April 6, 2011

Dấu ấn núi rừng trong văn hóa của người Khơ Mú

Người Khơ Mú thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me, là một trong những tộc người sớm có mặt ở Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 56 nghìn nhân khẩu, sống chủ yếu tập trung ở phía Tây Thanh Hóa và các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Yên Bái với trên 1.000 người ở các xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn và Túc Đán, huyện Trạm Tấu.


Do tập quán canh tác nương rẫy và cuộc sống sinh hoạt gắn bó mật thiết với thiên nhiên nên trong văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Khơ Mú luôn mang đậm dấu ấn của núi rừng, thể hiện sinh động trong đời sống sinh hoạt, trang phục truyền thống cũng như âm nhạc dân gian và nghệ thuật đan lát của người Khơ Mú.

Dấu ấn núi rừng được thể hiện trong trang phục truyền thống của người Khơ Mú không chỉ ở chất liệu mà còn ở màu sắc và từng nét hoa văn trên áo váy cùng những chiếc khăn đội đầu hay còn gọi là “Rơ vơớt” của người phụ nữ.



Áo váy của người phụ nữ Khơ Mú gần giống với trang phục của người Thái, cho thấy sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc. Song, trang phục của phụ nữ Khơ Mú mang màu xanh thẫm của đại ngàn với những hàng “Mắc pam” lấp lánh ánh bạc. Khăn đội đầu cũng có màu xanh thẫm, trên đó được thêu nhiều hoa văn tinh tế với màu đỏ chủ đạo như những đốm lửa thắp lên giữa rừng sâu - gợi cảm giác nồng nàn, ấm áp.

Nếu ai từng một lần lên Nghĩa Sơn (Văn Chấn) - được tắm mình trong không gian diễn xướng của những lễ hội truyền thống hẳn sẽ cảm nhận được rất rõ về dấu ấn và âm hưởng huyền bí, hoang sơ của núi ngàn qua những vũ điệu, những khúc hát dân ca và dàn nhạc cụ phong phú, độc đáo trong âm điệu và hình dáng.

Người Khơ Mú có rất nhiều làn điệu dân ca vừa trong trẻo vừa khỏe khoắn với lối hát mang đậm tính ước lệ, giầu hình ảnh của cây ngàn, khe suối. Đó là những điệu hát “Tơm” xao xuyến như tiếng chim gù trong mỗi sớm xuân, gọi mưa về cho cây cối nảy lộc đâm chồi, cho mùa màng tươi tốt, cho đôi lứa hẹn hò nên duyên chồng vợ; để được cùng vui chung mảnh nương, vui bếp lửa hồng “Tầm brạ”, như đôi chim cu suốt đời quấn quýt bên nhau.

Cùng với làn điệu “Tơm” (tức hát giao duyên) người Khơ Mú còn có hát “Kưn chơ” (tức hát gọi lúc đi đường), âm vang, khỏe khoắn như tiếng vọng đại ngàn. Đây cũng là chất liệu làm nên ca khúc “Chiếc khăn rơi” mà nhạc sỹ Doãn Nho phát triển từ dân ca Khơ Mú trở thành bài hát quen thuộc, mang âm hưởng của núi rừng và tràn trề khát vọng tình yêu.

Trong hệ thống nhạc cụ vốn rất phong phú của người Khơ Mú thì có tới 90% được làm ra từ chất liệu tre nứa, với những âm sắc độc đáo vừa thăm thẳm như rừng xanh vừa vui nhộn như chính tâm hồn của người Khơ Mú đôn hậu, thủy chung, sống chan hòa giữa thiên nhiên và yêu thích nhảy múa, hát ca.

Các nhạc cụ mang hồn tre, nứa có thể đệm cho hát “Tơm” hát “Kưn chơ” hát (nghi lễ) và có thể làm tiết tấu nhạc nền vui nhộn cho các vũ điệu trong những lễ hội mang tính cộng đồng như “Tẹ cạ grang” (tức múa cá lượn) – “Tẹ rơ vơớt” (tức múa khăn) – “Tẹ muôn pị hâm mệ” (có nghĩa là múa mừng xuân mới)... Những loại nhạc cụ độc đáo làm từ tre nứa của người Khơ Mú đến ngày nay vẫn còn xuất hiện nhiều trong đời sống của đồng bào là “Ôôm đing”, “Tình tờ la”, “Đao”, “Tót”.

“Ôôm đing” nguyên thủy là những ống đựng nước trên nương được làm từ những ống tre, song lại có thang âm vang ấm với chức năng giữ nhịp. Còn “Đao” ban đầu là dụng cụ đuổi chim khỏi về ăn hạt lúa giống trong mùa tra hạt được làm từ những ống nứa, khi đánh lên có những chuỗi âm kép rung vọng thầm thì như gần như xa. Và “Tình tờ la” là nhạc cụ thuộc bộ gõ được chế tác từ những ống bương, với những dây thanh được tách ra từ phần cật của ống, có thể lên dây cho thanh hoặc trầm tùy theo sở thích của người chơi và phù hợp với từng làn hát, từng vũ điệu.

Trong các loại nhạc cụ từ tre nứa của người Khơ Mú còn phải kể tới “Tót” là loại sáo dọc, gần giống như “Pí” của người Thái, với âm sắc độc đáo như tiếng gió vi vu trườn qua các sườn đồi, lòng thung và có khả năng diễn tả tâm trạng, mô phỏng không gian sống của người Khơ Mú nơi các triền đồi của vùng cao Tây Bắc. “Tót” có thể đệm cho hát “Tơm”, hát “Kưn chơ” và góp âm sắc để dàn nhạc cụ tre nứa thêm phong phú cho những màn hát múa tập thể trong các ngày lễ hội, là tiếng nói thẳm sâu của tâm hồn, tình cảm cùng những mong ước tốt đẹp về cuộc sống, tình yêu của người Khơ Mú.

Những nếp nhà sàn được dựng nên từ cây rừng tre, nứa, những bộ khăn, áo xanh thẫm màu rừng, những làn điệu hát dân ca hồn nhiên và trong trẻo cùng các nhạc cụ mang âm hưởng núi ngàn và thân thương. Hồn tre nứa sẽ mãi là niềm tự hào về bản sắc văn hóa độc đáo của người Khơ Mú - những con người đôn hậu, thủy chung luôn biết làm đẹp cho cuộc sống, làm đẹp tâm hồn mình từ những điều tưởng chừng như bình dị song vô cùng quý giá mà ngàn xanh đã ban tặng. Rừng núi thân thương không chỉ đem lại cho người Khơ Mú nguồn sống bao đời mà còn góp phần quan trọng làm nên dấu ấn văn hóa vô cùng độc đáo, riêng có của người Khơ Mú.

No comments:

Post a Comment