Cũng như các dân tộc khác, người Dao Nga Hoàng có truyền thống văn hoá đặc sắc, phong phú, góp phần làm đa dạng nền văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá cổ truyền các dân tộc thiểu số Yên Bái nói riêng mà trong đó lễ cưới truyền thống là một điểm nhấn quan trọng trong tổng thể văn hoá đa sắc màu đó.
Người Dao Nga Hoàng nơi đây có nhiều hình thức lễ cưới như lễ cưới truyền thống, lễ cưới ở rể đời, lễ cưới gửi rể và lễ cưới kết hợp lễ “cấp sắc”. Trong đó lễ cưới truyền thống là lễ cưới phổ biến nhất trong cộng đồng dân tộc Dao Nga Hoàng ở Yên Bái.
Là một trong những mốc quan trọng trong chu kỳ đời người, lễ cưới truyền thống của đồng bào Dao Nga Hoàng được trải qua nhiều nghi thức đặc sắc mang đậm bản sắc riêng biệt của dân tộc. Bước đầu tiên để chuẩn bị cho lễ cưới chính thức đó là nghi lễ So tuổi, ở đây khi chuẩn bị cho lễ cưới gia đình nhà trai sẽ sang nhà gái làm một lễ nhỏ để xin tuổi, sau đó họ sẽ nhờ thầy cúng xem tuổi giúp để so sánh tuổi của đôi bạn trẻ có hợp nhau không, lấy nhau có sống hạnh phúc không theo các quan niệm dân gian của đồng bào. Thách cưới là một tập quán có từ lâu đời trong lễ cưới truyền thống người Dao Nga Hoàng, ngày trước tiền thách cưới với quan niệm trả công chăm lo dưỡng dục cô dâu cho gia đình nhà gái, nên các gia đình thường muốn thách cưới thật cao sao cho xứng với công sinh thành dưỡng dục. Ngày nay thách cưới chỉ còn là một tập quán đẹp, mang ý nghĩa nhân văn, gia đình nhà trai luôn nhớ tới công sinh thành của bố mẹ cô dâu mà tiền thách cưới không còn cao nữa.
Trong lễ cưới của người Dao Nga Hoàng, không có lễ ăn hỏi mà tục Bỏ ngõ được thay thế, đây là một nghi thức quan trọng trước khi diễn ra lễ cưới chính thức. Đến ngày đã được định trước, nhà trai mang sang nhà gái một vuông vải chàm, bên trong là một đồng bạc trắng hoặc một chiếc vòng bạc để làm tin hay như một lời hứa chắc chắn về lễ cưới.
Để tiến hành lễ cưới, hai bên gia đình phải có hai người đại diện thay mặt gia chủ tiến hành các nghi thức của lễ cưới, tổ chức và hướng dẫn cô dâu chú rể các nghi thức và phong tục tập quán của lễ cưới đó chính là ông mờ, bà mờ. Ông mờ bà mờ của cả hai gia đình nhà trai và nhà gái đều phải là những người thông minh, hoạt bát, ứng khẩu nhanh nhẹn, người phải uống được nhiều rượu không say và là người hát thật giỏi giao duyên đối đáp trong lễ cưới
Tiến trình lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng rất độc đáo, một lễ cúng tổ tiên được tổ chức ngay tại bàn thờ tổ tiên của gia chủ khi đoàn đón dâu chuẩn bị lên đường, mọi người cầu xin tổ tiên phù hộ cho đoàn đón dâu đi may mắn và thành công đón cô dâu về tới nhà trai được an toàn. Nét đặc sắc trong nghi thức đi đón dâu của đồng bào nơi đây là nghỉ dọc đường, các cụ già trong làng cũng không biết tập quán này có từ khi nào nhưng cho dù nhà trai có cách nhà gái một quãng đường ngắn nhưng đoàn đón dâu vẫn phải nghỉ và ăn cơm uống rượu dọc đường do thức ăn nhà trai đã chuẩn bị từ trước.
Tại nhà gái lễ cúng cắt khẩu hết sức quan trọng được diễn ra vào lúc nửa đêm, đây là nghi thức thầy cúng thông báo với tổ tiên và các thần thánh, thổ công thổ địa biết cô dâu từ nay đã đi lấy chồng, không còn thuộc “con ma” của nhà nữa. Các nghi thức của lễ cưới được diễn ra tại nhà gái trong suốt cả đêm với nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá, hát dân ca đối đáp giữa hai gia đình.
Cũng giống như các dân tộc khác, lễ cúng tổ tiên để gia nhập gia tiên không thể thiếu trong lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng nơi đây, khi cô dâu được đưa về tới nhà trai, nghi thức cúng tổ tiên được thực hiện ngay tại bàn thờ tổ tiên của gia đình. Nhưng đặc sắc và độc đáo hơn các tộc người khác trong lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng đó là lễ Kết tơ hồng được thực hiện ngay sau lễ cúng tổ tiên. Nghi thức này là nghi thức chính của lễ cưới, người Dao Nga Hoàng phải tổ chức xong nghi thức này người dân quan niệm họ sẽ được sống hạnh phúc với nhau trọn đời, không có gì có thể chia tách đôi vợ chồng bởi các phép kết tơ hồng đã gắn kết đôi bạn trẻ. Một đôi chiếu được trải ra trước bàn thờ tổ tiên, đôi vợ chồng trẻ được dắt đến qùy trước bàn thờ. Lần lượt các nghi thức của lễ Kết tơ hồng được thầy cúng làm cho hai bạn trẻ như nghi thức xua đuổi những sự xấu xa ra xa đôi vợ chồng trẻ, tiếp theo là nghi thức làm bùa yêu để hai người được bên nhau mãi mãi theo quan niệm từ lâu đời của người Dao Nga Hoàng, ngay sau bùa yêu làm bùa yểm, thầy cúng yểm cho đôi vợ chồng trẻ luôn luôn khoẻ mạnh và được bảo vệ bởi các thần thánh. Kết thúc là lễ lạy của cô dâu và chú rể. chú rể phải lạy đủ 12 lần trước bàn thờ tổ tiên cùng với cô dâu là kết thúc nghi thức Kết tơ hồng theo tập quán truyền thống.
Lễ tơ hồng
Lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng nơi đây được trải qua nhiều giai đoạn, nhiều nghi thức khác nhau, trong lễ cưới nhiều hình thức hát giao duyên đối đáp được hai ông Mờ của hai gia đình thể hiện trong quá trình tổ chức lễ cưới.
Lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng ở Yên Bái như lời mời gọi, gợi mở những khám phá mới cho mỗi du khách yêu văn hoá dân gian các dân tộc thiểu số để các du khách đến với vùng người Dao nơi đây để khám phá vẻ đẹp và những điều thú vị , độc đáo và đặc sắc trong lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng một ngành Dao độc đáo của Yên Bái.
No comments:
Post a Comment