Get Paid To Promote, Get Paid To Popup, Get Paid Display Banner

Monday, April 4, 2011

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái

I. Thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái:
Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Yên Bái là một tỉnh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong thời kỳ dựng nước và giữ nước. Trải qua đấu tranh gian khổ nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất.


Từ thế kỷ XIII, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết sát cánh cùng quân đội nhà Trần chiến đấu chống giặc Nguyên - Mông, góp phần đánh bại các cuộc xâm lược của chúng. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhân dân và các sỹ phu yêu nước đã liên tục đứng lên chống thực dân Pháp, điển hình là các cuộc khởi nghĩa và chiến đấu ở Tú Lệ; Làng Vần và cuộc khởi nghĩa của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Kinh ở Trấn Yên, Lục Yên... Những sự kiện tiêu biểu ấy khẳng định truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết quật khởi của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Truyền thống đó được nhân lên gấp bội khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, dẫn đường chỉ lối.
1. Chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng bộ Yên Bái:
Đầu năm 1930 trên địa bàn Yên Bái đã diễn ra cuộc khởi nghĩa của tổ chức Việt Nam quốc dân Đảng do chí sỹ yêu nước Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Tuy cuộc khởi nghĩa không thành công nhưng đã gây được tiếng vang lớn trong nước và thế giới, cổ vũ và bồi đắp thêm lòng yêu nước cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ảnh hưởng và uy tín của Đảng đã tác động rất mạnh đến Yên Bái, thúc đẩy nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân phong kiến, góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do cho các dân tộc. Những năm 40 của thế kỷ XX, những cán bộ cách mạng của xứ ủy Bắc Kỳ được cử lên Yên Bái hoạt động và đã xây dựng được một số cơ sở cách mạng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái. Năm 1943, đồng chí Hoàng Quốc Việt, ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đảng, bí thư xứ ủy Bắc Kỳ đã nhận định vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái - Phú Thọ là nơi thực dân Pháp có nhiều sơ hở, không kiểm soát gắt gao, rất thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở cách mạng. Nếu phát triển phong trào ở Yên Bái (đặc biệt là chiến tranh du kích) có thể mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều hướng như Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai.
Từ thực tế trên, Trung ương Đảng đã ra quyết định xây dựng cơ sở cách mạng ở Vần - Hiền Lương nhằm mục đích làm nơi dừng chân cho các đồng chí tù vượt ngục từ nhà tù Sơn La ra và đã xây dựng căn cứ cách mạng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.
2. Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Yên Bái:
Tháng 10 năm 1944 đến đầu năm 1945, từ những cơ sở đầu tiên ở Nang Xa, Hiền Lương (Phú Thọ) đã mở rộng lên Linh Thông, Vần, Vân Hội, Đại Lịch, Thị xã Yên Bái. Nhiều tổ chức cứu quốc được thành lập, tập hợp hàng ngàn hội viên.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945 tình hình có nhiều biến đổi có lợi cho cách mạng. Khí thế cách mạng của quần chúng khắp nơi trong tỉnh dâng lên ngùn ngụt. Ngày 7/5/1945 Chi bộ Cộng sản đầu tiên ra đời ở thị xã Yên Bái đã mở ra sự chuyển hướng đấu tranh của nhân dân sang một giai đoạn mới. Tình thế cách mạng ngày một lớn, phong trào đấu tranh của công, nông với các tầng lớp nhân dân lao động Yên Bái không ngừng phát triển.
3. Thành lập Đảng bộ Yên Bái:
Ngày 30 tháng 6 năm 1945, xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ cho đồng chí Ngô Minh Loan làm bí thư - đánh dấu một mốc son lịch sử trong phong trào cách mạng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Yên Bái. Từ đây, phong trào cách mạng của tỉnh Yên Bái được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng.
II. Đảng bộ tỉnh Yên Bái với cuộc đấu tranh giành chính quyền:
- Ngày 6/7/1945, chỉ sau khi thành lập mấy ngày Ban cán sự đã trực tiếp chỉ đạo thành lập lực lượng vũ trang Yên Bái. Sự kiện này đã làm nòng cốt cho toàn dân chống giặc. Sau khi thành lập, lực lượng vũ trang Yên Bái đã lần lượt giải phóng các Châu Văn Chấn, Lục Yên, phủ Trấn Yên, Yên Bình.
- Khi Nhật đầu hàng đồng minh, Ban cán sự Đảng chủ trương chớp thời cơ kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang để giành chính quyền. Trước sức mạnh áp đảo cả về lực lượng chính trị và quân sự cách mạng, đến chiều 19/8/1945, quân Nhật đóng ở thị xã tỉnh lỵ đã hoàn toàn toàn quy phục, đầu hàng vô điều kiện - chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Ngày 22/8/1945 tại vườn hoa thị xã Yên Bái, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái đã ra mắt nhân dân trước sự chứng kiến hân hoan của hàng vạn quần chúng nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Khởi nghĩa tháng 8/1945 ở Yên Bái thắng lợi đã đập tan ách thống trị của đế quốc trong 60 năm kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm tỉnh ta, lật đổ chế độ phong kiến từ tỉnh xuống xã thống trị hàng ngàn năm. Nhân dân các dân tộc từ địa vị nô lệ mất nước đã trở thành người làm chủ vận mệnh của mình. Đảng bộ tỉnh thành lập trong điều kiện hoạt động bí mật, không hợp pháp trở thành Đảng bộ lãnh đạo chính quyền trong toàn tỉnh.
Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám do nhiều nhân tố kết hợp, trong đó sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng Yên Bái - Phú Thọ làm nhân tố quyết định thứ nhất.
Sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, kinh tế nghèo nàn, kiệt quệ, ảnh hưởng của nạn đói còn nặng nề, gần 100% dân số mù chữ. Hệ thống chính quyền các cấp mới thành lập thiếu cán bộ và kinh nghiệm quản lý, theo đó là sự tràn vào chống phá điên cuồng hòng lật đổ chính quyền cách mạng của quân Tưởng Giới Thạch và bọn phản động Việt Nam Quốc dân Đảng.
- Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những ghềnh thác nguy hiểm. Ở Yên Bái dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ, chính quyền tỉnh chỉ trong một thời gian ngắn Yên Bái đã xây dựng được một hệ thống chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở, củng cố lực lượng vũ trang tránh dược sự xô sát với quân Tưởng, cô lập cao độ bọn phản động Việt quốc, đuổi chúng ra khỏi biên giới chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chiếm đóng một lần nữa.
- Từ năm 1947, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, chúng đã thôn tính hơn 2/3 diện tích của tỉnh. Nhưng dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng bộ tỉnh, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, kết hợp vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng hậu phương.
Ở vùng tự do tập trung xây dựng, củng cố chính trị, lực lượng vũ trang, phát triển kinh tế, văn hóa nhằm bồi dưỡng sức dân tạo ra nguồn lực phục vụ cuộc chiến đấu. Công tác động viên nhân dân, thực hiện các chính sách mới như giảm tô, giảm tức, chia ruộng cho nông dân đã mang lại kết quả thiết thực.
Ở vùng địch tạm chiếm Đảng bộ chủ trương đưa và xây dựng tại chỗ lực lượng vũ trang vừa xây dựng cơ sở, phát động đấu tranh du kích, sẵn sàng phối hợp với các binh đoàn chủ lực đánh địch. Hàng loạt khu du kích, đội du kích tiêu biểu xuất hiện như Đá Xô, Đại Lịch, Đại Phác, Khau Phạ, Trạm Tấu... gây cho thực dân Pháp và tay sai nhiều phen kinh hoàng.
- Phối hợp với bộ đội chủ lực, quân dân Yên Bái đã mở nhiều chiến dịch như sông Thao (1949), Lê Hồng Phong (1950), Lý Thường Kiệt (1951) loại khỏi vòng chiến đấu hàng vạn tên địch, từng bước mở rộng vùng giải phóng.
Đặc biệt trong chiến dịch Tây Bắc (1952), quân ta đã đập tan hoàn toàn quân khu Nghĩa Lộ, mở thông cánh cửa sang phân khu sông Đà, giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái.
- Ngay sau khi Yên Bái được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái lại dồn sức thực hiện nhiệm vụ chính phủ giao là mở thông con đường huyết mạch nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc.
Cuối năm 1953, đầu năm 1954, Đảng bộ đã huy động gần 5 vạn lượt người, góp 3,6 triệu ngày công, cung cấp hơn 200 tấn lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ, bảo đảm tuyến đường Yên Bái sang Sơn La thông suốt. Trong đó có nhiều điểm trọng yếu máy bay Pháp đánh phá ác liệt như bến Âu Lâu, đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi... góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chiến thắng địa cầu.
- Hòa bình lập lại, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Yên Bái thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh đã bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cải tạo các tập tục lạc hậu, phát triển lực lượng sản xuất, thiết lập quan hệ sản xuất mới. Tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong đó có công trình thủy điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành điện Việt Nam.
III. Đảng bộ Yên Bái - lãnh đạo 2 nhiệm vụ chiến lược từ 1954 - 1975.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về “chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi mở ra bước ngoặt quan trọng cho cách mạng cả nước: miền Bắc hoàn toàn giải phóng, cách mạng nước ta bước vào thời kỳ mới - thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong giai đoạn này cũng như nhiều địa phương khác, Yên Bái phải đối phó với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù trong kế hoạch “hậu chiến” của chúng. Ngay sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ vừa được ký kết, ở Yên Bái, các thế lực thù địch đã tổ chức tung tin xuyên tạc, đe dọa, mua chuộc, ám sát cán bộ chủ chốt. Bọn phỉ nổi lên ở nhiều nơi: Lục Yên, Văn Bàn, Than Uyên, Mù Cang Chải hòng phá hoại thành quả cách mạng của ta. Song với truyền thống đoàn kết, kiên cường, anh dũng, sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng với lực lượng vũ trang đã tích cực bảo vệ thành quả của cách mạng, đi sâu tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, vạch trần âm mưu của kẻ thù, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, động viên nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trước âm mưu phá hoại của kẻ thù, lực lượng vũ trang Yên Bái tiếp tục được củng cố tăng cường, phối hợp cùng lực lượng an ninh tấn công tiêu diệt bọn phỉ, triệt phá các ổ nhóm phản động, bọn gián điệp nằm vùng. Các Đại đội 85, 95, 96, 97 được lệnh tham gia chiến dịch tiễu phỉ ở Lào Cai, tiểu đoàn 281 cùng lực lượng an ninh tiến công đập tan âm mưu bạo loạn ở Lục Yên, Văn Bàn, truy bắt 544 tên chỉ điểm, gián điệp, ngụy quân; vận động 885 tên bỏ ngũ đem nộp vũ khí, trở về với nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy, nhân dân và lực lượng xung kích các xã dọc tuyến đường sắt, đã tích cực tham gia tuần tra bảo vệ công cuộc khôi phục tuyến đường, đóng góp hàng chục vạn ngày công, 62 nghìn thanh tà vẹt, 1500m3 gỗ, thu nhặt 41 nghìn thanh ray. Các cấp chính quyền chỉ đạo chặt chẽ việc khai hoang, phục hóa, mở rộng sản xuất lương thực, khắc phục nạn đói. Năm 1955, đã trợ cấp cho 1.286 gia đình, khai hoang được 1.160 mẫu ruộng, trồng mới 500 mẫu chè. Đến năm 1958 đã xây dựng được 5.364 tổ đổi công (bằng 86 % nông hộ), tổ chức điểm 4 hợp tác xã với 115 nông hộ để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng, nhờ đó năng suất lúa vượt 135% (so với năm 1955), bình quân lương thực đầu người đạt 458 kg/năm, thuế nông nghiệp thu vượt mức trên giao 118%, thuế công nghiệp vượt 115%. Đến năm 1960, các xã đều đã có trường phổ thông cấp I, huyện có trường cấp II, thị xã có trường cấp III; mạng lưới y tế được xây dựng ở hầu hết các xã. Thực hiện chủ trương của trên, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng xã Hưng Khánh (huyện Trấn Yên) vững mạnh về mọi mặt làm điểm cho Quân khu. Kết quả, xã Hưng Khánh được tặng Huân chương chiến công hạng 3, đồng chí Trần Văn Đôn, dân tộc Tày của xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
- Năm 1962, chính phủ quyết định khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của thủy điện Việt Nam - Tỉnh Yên Bái đã hoàn thành thắng lợi cuộc vận động đầy khó khăn, phức tạp, một cuộc chuyển cư lịch sử của tỉnh Yên Bái và miền Bắc lúc bấy giờ, được coi là 1 trong 10 sự kiện nổi bật trong thế kỷ XX của Đảng bộ và nhân dân Yên Bái.
Từ tháng 7/1965 trở đi, Mỹ tăng cường mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, công trình thủy điện Thác Bà là trọng điểm đánh phá của địch. Để đảm bảo tiến độ thi công của nhà máy, Đảng bộ tỉnh chủ trương chuyển dân nhanh gọn đợt cuối cùng. Tỉnh đã huy động 500 lao động ở các huyện bạn đến hỗ trợ cho vùng chuyển dân, đã hoàn thành 55 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trong đó có 19 công trình do nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Đến cuối 1966, công tác chuyển dân cơ bản đã hoàn thành, 2.019 hộ gồm 11.050 người đã được chuyển đến quê mới, có cuộc sống ổn định. Do chiến tranh phá hoại của Mỹ, công tác chuyển dân lòng hồ Thác Bà còn kéo dài đến những năm 1967 - 1968.
Cuộc vận động chuyển dân xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà kết thúc thắng lợi có ý nghĩa chính trị, kinh tế, quốc phòng to lớn, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng, đảm bảo chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng. Đảng bộ nhân dân các dân tộc Yên Bái đã có đóng góp to lớn vào công trình: 54 xã phải chuyển toàn bộ và chuyển một phần với 8.913 hộ, 53.500 nhân khẩu, 5.303 héc ta ruộng cấy 2 vụ (chiếm ¼ diện tích và 1/3 sản lượng lúa hàng năm); 21.000 ha diện tích trồng màu, 20.000 ha rừng; chuyển trên 35.000 di hài cốt, hàng chục nhà thờ, đền chùa, công sở, công trình công cộng, nhà trường, bệnh viện, trạm xá, kho tàng... dành cho công trình thủy điện Thác Bà.
Với quyết tâm đó của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã góp phần xây dựng thành công thủy điện Thác Bà, cung cấp nguồn điện năng quý giá cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Sau này quân và dân Yên Bái lại tiếp tục kiên cường đấu tranh bảo vệ nhà máy trong chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Đế quốc Mỹ điên cuồng đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Thực hiện chủ trương của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền, các lực lượng vũ trang Yên Bái tiếp tục được củng cố, tăng cường, nhằm đối phó với âm mưu của Mỹ.
Bị thất bại liên tiếp ở chiến trường miền Nam, từ ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh bằng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Chiến tranh đã lan rộng ra cả nước. Yên Bái được xác định là mục tiêu trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, tỉnh ủy và ủy ban hành chính tỉnh đã lãnh đạo nhân dân, các lực lượng vũ trang chuyển mọi hoạt động của địa phương vào thời chiến, tích cực chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đối phó với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Trong khí thế sục sôi chống Mỹ của cả dân tộc, với khẩu hiệu “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang Yên bái đã nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của tỉnh ủy, vượt qua khó khăn, tập trung lực lượng, vật tư, vật liệu, trong một thời gian ngắn đã huy động được gần 6 triệu ngày công, đào 1.386 hầm cất giấu máy móc, 445 km giao thông hào, 634.403 hầm tập thể, 727.056 hầm trú ẩn cá nhân, chi viện cho công trường thi công nhà máy thủy điện, sân bay Yên Bái. Các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tay cày tay súng”, “Tau bừa tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Nghìn việc tốt”... đã động viên được đông đảo các tầng lớp nhân dân Yên Bái sôi nổi tham gia, tạo khí thế và sức mạnh đoàn kết để đánh giặc Mỹ. Chỉ trong một tháng, Yên Bái đã có tới 2.161 thanh niên làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Các lực lượng vũ trang tích cực chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tổ chức 336 đài quan sát, báo động, hình thành hai cụm phòng không trọng điểm bảo vệ sân bay, thị xã Yên Bái, và công trình thủy điện; các tổ bắn máy bay bằng súng bộ binh được tổ chức và huấn luyện ở hầu hết các xã, các cơ quan, công trường xí nghiệp. Yên Bái đã hình thành một lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, rộng khắp, sẵn sàng tiêu diệt máy bay Mỹ.
Ngày 15/6/1965, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá Nghĩa Lộ, và sau đó ngày 9/7/1965, máy bay Mỹ đánh phá thị xã Yên bái. Thị xã Yên Bái là một trong những mục tiêu hủy diệt của đế quốc Mỹ, bị đánh phá nhiều lần, có lần liên tục 2 giờ liền. Đế quốc Mỹ điên cuồng trút bom đạn xuống trung tâm thị xã, các trường học, bệnh viện, nhà ga, đường sắt, cầu phà và các công sở gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Cả tỉnh sôi sục khí thế chuẩn bị chiến đấu. Cơ quan quân sự Nghĩa Lộ, thị xã Yên Bái tích cực tổ chức huấn luyện kỹ thuật bắn máy bay súng trường. Nhiều trận địa súng 12 ly 7 của dân quân tự vệ cùng các đơn vị pháo cao xạ của bộ đội chủ lực được bố trí bảo vệ những mục tiêu quan trọng. Với tinh thần chủ động, tích cực sẵn sàng chiến đấu, lực lượng vũ trang thị xã và các vùng lân cận đã kịp thời nổ súng đánh trả máy bay Mỹ ngay từ những phút đầu tiên. Sau mỗi đợt chiến đấu, tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo rút kinh nghiệm cho các lực lượng, đơn vị. Trong suốt thời gian từ 10/7/1965 đến hết năm 1967, nằm trong những trọng điểm đánh phá hủy diệt của không quân Mỹ, hiệu suất chiến đấu của các lực lượng vũ trang Yên Bái ngày càng được nâng cao. Điển hình: ngay ngày 10/7/1965, 3 tốp máy bay Mỹ bay lại từ hướng Tây Nam bổ nhào đánh phá ác liệt các mục tiêu thị xã, mặc dù dưới mưa bom của quân thù, các lực lượng vũ trang Yên Bái vẫn kiên cường bắn trả, ngay từ loạt đạn đầu, một máy bay F105 đã bị trúng đạn; tiểu đội 2 của Đại đội 2 bị bom vùi lấp, các chiến sỹ vẫn anh dũng chiến đấu, bắn cháy thêm 1 máy bay nữa. Chiến thắng 2 máy bay của Mỹ quân và dân thị xã đã làm nức lòng nhân dân toàn tỉnh. Tháng 8/1965, trong suốt 13 ngày máy bay Mỹ dồn dập đánh phá có tính hủy diệt thị xã Yên Bái, gây cho ta tổn thất lớn (chết 138 người, bị thương 157 người) trong diện tích chưa đầy 4km2, có ngày địch đã dùng tới 48 lượt máy bay phá hoại, nhiều cầu, đường sắt bị hư hại nặng nhưng nhân dân và các lực lượng vũ trang Yên Bi vẫn kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu, bắn rơi 5 máy bay Mỹ. Ngày 20/8/1965, tiểu đội dân quân dân tộc Tày xã Mậu Đông (huyện Văn Yên) bằng súng bộ binh đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F 105 (là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên do dân quân người dân tộc thiểu số bắn hạ). Ngày 26/8/1965, bằng 10 viên đạn súng trường K44, dân quân xã Lang Thíp (huyện Văn Yên) đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F 105 của đế quốc Mỹ. Ngày 27/11/1965, quân và dân Yên Bái đã lập công bắn rơi chiếc máy bay thứ 80 trên bầu trời miền Bắc.
Kết thúc năm 1967, các lực lượng vũ trang Yên Bái đã bắn rơi 99 máy bay Mỹ, góp phần quan trọng vào chiến thắng, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, giữ vững tiến độ thi công nhà máy thủy điện Thác Bà, sân bay Yên Bái, nhà máy 2183, bảo đảm an toàn các kho trung chuyển chiến lược của cấp trên.
Chỉ riêng ở Yên Bái, trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965 -1968) Mỹ đã huy động 3.396 lần/tốp, 10.172 lần/chiếc máy bay, đánh phá 604 mục tiêu với 17.953 bom phá, bom nổ chậm, 96 bom từ trường, 33 bom lân tinh, 197.960 bom bi, bắn 302 tên lửa, 18.601 rốc két, 633 lần đạn 30mm, phá sập 50 cầu cống...
Năm 1972, chống lại chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ, đặc biệt là cuộc tập kích chiến lược bằng B52 trong 12 ngày đêm đã bị quân dân miền Bắc đập tan. Trong đó quân dân Yên Bái - Nghĩa Lộ bắn rơi 15 máy bay, góp phần vào chiến thắng chung của cả nước. Trước tình thế không gì cứu vãn, ngày 30/12/1972, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, ký kết hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973 tại Pari.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Yên Bái đã có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong phục vụ chiến đấu, đảm bảo giao thông vận tải, tích cực sản xuất, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Yên Bái đã đóng góp cho nhà nước 289.000 tấn lương thực, 146.000 tấn thực phẩm, vượt kế hoạch 115 - 120%. Năm 1974, Yên Bái là tỉnh đầu tiên của các tỉnh vùng núi Tây Bắc đạt 5 tấn thóc/1ha, tổng sản lượng lương thực đạt 143.000 tấn.
Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Bái đã tập trung mọi nỗ lực cho động viên thời chiến. Trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh phá hoại, từ năm 1965 đến 1975 Yên Bái đã tiễn đưa 24.632 con em lên đường nhập ngũ, là tỉnh thường xuyên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân, tỉnh và 5 huyện, thị được tặng thưởng Huân chương chiến công về thành tích tuyển quân,chi viện cho chiến trường.
- Đảng bộ Yên Bái luôn chú trọng xây dựng tổ chức Đảng không ngừng lớn mạnh. Đến năm 1968, số đảng viên của Đảng bộ Yên Bái đã đạt 3% dân số. Từ 1970 đến 1975, Yên Bái đã kết nạp được 1.000 đảng viên mới, các phong trào cách mạng ở địa phương diễn ra sôi nổi, là cơ sở để tuyển chọn, bổ sung cho các đơn vị, lực lượng vũ trang và quân đội.
Đóng góp tích cực của Đảng bộ, quân và dân Yên Bái đã góp phần xứng đáng cùng quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất tổ quốc.
IV. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta kết thúc thắng lợi, mở ra thời kỳ mới của cách mạng: cả nước thống nhất, quá độ đi lên CNXH. Tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập. Đại hội vòng I của Đảng bộ (tháng 11/1976) và vòng II (tháng 4/1977) đã xác định chủ trương “xây dựng tỉnh có một nền kinh tế - văn hóa phát triển, có công - nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất XHCN, trên cơ sở từng bước cải thiện đời sống nhân dân... đưa tỉnh nhanh chóng trở thành tỉnh giàu có về kinh tế, vững chắc về chính trị, mạnh mẽ về quốc phòng, có đời sống ngày càng văn minh, hạnh phúc”. Đây là một bước cụ thể chủ trương Đại hội IV của Đảng, hình thành 5 vùng kinh tế chuyên canh, công tác khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích, thâm canh tăng vụ, làm thủy lợi được đẩy mạnh khắp nơi. Đến năm 1978, sản lượng lương thực của tỉnh đã đạt 205.000 tấn (tăng 15,9% so với năm 1976), bình quân lương thực đạt 271 kg/ người/ năm, trồng mới 36.200 ha rừng, các hợp tác xã nông nghiệp đã thu hút 83% số hộ nông dân. Sản xuất công nghiệp tăng 11,7%, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện một bước, hệ thống giáo dục phổ thông phát triển (tỉnh đã có 20 trường cấp III, 153 trường cấp II, 400 trường cấp I), cứ 100 người dân có 7 người được đến lớp; hệ thống y tế từng bước được hoàn thiện với 23 bệnh viện, hầu hết các xã có bệnh xá, trạm điều trị; hệ thống tổ chức Đảng được củng cố và tăng cường, các đơn vị lực lượng vũ trang được bố trí lại, tổ chức phù hợp với yêu cầu mới, tăng cường cho các địa bàn xung yếu chiến lược trên các vùng biên giới, góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.
Do những thành tích xuất sắc trong cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp - đế quốc Mỹ, trong chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới tổ quốc và khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, tháng 3 năm 1985, tỉnh Hoàng Liên Sơn vinh dự được Đảng, nhà nước tặng thưởng Huân chương cao quý nhất: Huân chương sao vàng.
- Bước vào năm 1986, trước sự thách thức của tình hình kinh tế - xã hội, sự phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh đã tập trung mọi nỗ lực chỉ đạo phát triển sản suất, với chủ trương khai thác mọi tiềm năng thế mạnh, phấn đấu tự túc được lương thực, tiếp tục củng cố thế trận quốc phòng - an ninh mà trọng tâm là thực hiện 3 chương trình kinh tế, tiếp tục đổi mới cơ chế kinh tế, tăng cường vận động định canh, định cư.
Đến năm 1990, tổng sản phẩm lương thực đã đạt 189.000 tấn, năng suất lúa toàn tỉnh đạt 6 tấn/ha (tăng 24.000 tấn, năng suất lúa toàn tỉnh đạt 6 tấn/ ha (tăng 24.000 tấn sản lượng so với năm 1980); trồng thêm 8.103 ha chè, 8.900 ha quế, trồng mới 46.300 ha rừng; nâng cấp và làm mới 200km đường, 4 cầu lớn; nhiều trường học được mở rộng nâng cấp; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng Đảng, đổi mới hệ thống chính trị được chú trọng.
Sau khi tái lập tỉnh Yên Bái (10/1991), phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh vượt qua những khó khăn, thử thách, phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái không ngừng tìm tòi, sáng tạo, từng bước cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng, chọn khâu đột phá trong các giải pháp nhằm làm chuyển biến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đã giành được những thành tựu rất quan trọng.
Kinh tế tăng trưởng khá, chính trị ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, hệ thống chính trị được tăng cường, đời sống của đại đa số đồng bào các dân tộc Yên Bái được cải thiện rõ rệt.
Đặc biệt những năm đầu thế kỷ XXI, nền kinh tế của tỉnh Yên Bái có sự phát triển và tăng trưởng cao, có bước đột phá mạnh, nhiều năng lực mới được tăng thêm. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2001 -2005 là 9,55%, là giai đoạn đạt tốc độ cao nhất từ trước đến nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng cơ bản, dịch vụ tăng lên. Tổng số vốn đầu tư phát triển đạt 6.570 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người đạt 4,2 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2000.
Xác định nông lâm nghiệp là mặt trận hàng đầu, trong 5 năm (2001 - 2005) tỉnh đã thực hiện 568 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 462 tỷ đồng cho sản suất nông, lâm nghiệp. Các cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp được ưu tiên phát triển. Tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất nhằm góp phần làm thay đổi tập quán canh tác.
Tăng nhanh diện tích cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày từ 1 vụ lên 2 vụ ở vùng cao, từ 2 lên 3 vụ ở vùng thấp. Hình thành và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn gắn với chế biến công nghiệp như: vùng lúa thâm canh 10.000 ha trong đó có 4.000 ha cao sản; vùng chè có 12.000 ha; vùng quế gần 30.000 ha; vùng sắn có 10.000 ha; vùng dứa trên 1.000 ha; tre măng Bát độ 1.000 ha; vùng nguyên liệu giấy 60.000 ha.
Sản xuất lâm nghiệp phát triển mạnh cả khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ và trồng rừng mới, chủ yếu là rừng kinh tế, trồng mới được 53.548 ha/220.000 ha, đưa độ che phủ của rừng lên 49,44%.
Chăn nuôi được đặc biệt quan tâm chú trọng, tỉnh đã có cơ chế chính sách và tập trung đầu tư vào chương trình cải tạo đàn bò, lợn hướng nạc và thủy sản theo hướng trang trại, bán công nghiệp và công nghiệp. Các dự án chăn nuôi đã được triển khai tích cực, nhiều mô hình chăn nuôi được phát triển và nhân rộng. Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 24,12% so với giá trị toàn ngành nông nghiệp. Giá trị sản xuất thủy sản chiếm 81%. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới xuất hiện bước đầu đạt kết quả như: nuôi cá xuất khẩu, chăn nuôi bán công nghiệp, kinh doanh nghề rừng, chế biến nông lâm sản.
- Phát triển công nghiệp được xác định là khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Giai đoạn 2001 - 2005 đã thu hút 58 dự án với tổng số vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng, trong đó có nhà máy xi măng là quay công suất 910.000 tấn/năm, 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 2 nhà máy thủy điện nhỏ có công suất 57 MW, nhà máy nghiền Felspat, CaCO3, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất ván dăm, các cơ sở sản xuất giấy đế, mở rộng nhà máy sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, nâng cấp cải tạo nhà máy xi măng, nhà máy chế biến chè...
Đến hết năm 2005 đã có 48 cơ sở công nghiệp hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất, tăng thêm năng lực cho sản xuất công nghiệp, là nhân tố quan trọng, tạo bước đột phá rõ nét, là tiền đề vững chắc cho phát triển công nghiệp những năm tới. Giá trị công nghiệp năm 2005 đạt 1.100 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2000, tốc độ tăng bình quân 5 năm đạt 14,8%/năm.
- Với chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ tích cực cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, cải thiện nâng cao đời sống của nhân dân. Tổng số vốn đầu tư cho phát triển giao thông giai đoạn 2000 - 2005 đạt 1.841 tỷ đồng, mở mới và cải tạo nâng cấp 207km tỉnh lộ, xây dựng nhiều cầu cống, trong đó có 2 cây cầu vượt qua sông Hồng đó là cầu Văn Phú và cầu Mậu A. Nâng cấp cải tạo trên 1.000 km đường giao thông nông thôn, mở mới 717 km đường thôn bản, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã.
- Tỷ lệ số xã có điện lưới quốc gia đạt 91,82%, 71% số hộ được dùng điện lưới. Xây dựng mới 283 công trình thủy lợi, đưa tỷ lệ chủ động nước tưới đạt 85%, diện tích ruộng 2 vụ tăng 19% so với năm 2000. 100% số xã có máy điện thoại, 100% số xã có báo đọc hàng ngày, 100% trung tâm xã được xem truyền hình, 98% địa bàn trong tỉnh được phủ sóng phát thanh, 97% được phủ sóng truyền hình.
- Kinh tế dịch vụ thương mại phát triển đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ nông thôn được xây dựng, tạo thị trường giao lưu hàng hóa thông suốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2005 tăng 2,25 lần so với năm 2000. Các cơ sở du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử được đầu tư khai thác, hàng năm thu hút trên 100.000 lượt khách du lịch, hình thành khu du lịch sinh thái văn hóa vùng hồ Thác Bà, Nghĩa Lộ...
- Hoạt động tài chính, tín dụng có bước chuyển biến tích cực, tổng thu ngân sách năm 2005 tăng 137,9% so với năm 2000. Thực hành tiết kiệm chi nhánh vốn cho sự đầu tư phát triển. Hoạt động tín dụng đảm bảo vốn cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổng vốn đầu tư nước ngoài năm sau cao hơn năm trước.
- Văn hóa - xã hội đạt nhiều tiến bộ mới, chương trình xóa đói giảm nghèo, một số vấn đề xã hội bức xúc được tập trung giải quyết có hiệu quả. Đã giải quyết việc làm mới cho 85.000 lao động, xuất khẩu trên 17.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7%, xóa được 4.000 căn nhà dột nát cho hộ nghèo và gia đình chính sách.
Quy mô các ngành học, cấp học, mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở các vùng, miền trong tỉnh. Đầu tư cơ sở vật chất cho học tập ngày càng tăng. Trong 5 năm tăng thêm 154 trường và 580 lớp học, 86% số trường, lớp đã được kiên cố, giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, tiến tới phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi có 127/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS, 25% tỷ lệ lao động qua đào tạo, cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp năm 2005 tăng 30% so với năm 2000.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phát triển sâu rộng, 82% số gia đình, 91% số cơ quan, đơn vị được công nhận gia đình, đơn vị, cơ quan văn hóa, thôn bản, tổ văn hóa cũng không ngừng phát triển.
Mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được củng cố và từng bước hoàn thiện. Công tác y học dự phòng đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không có dịch lớn xảy ra. Hiện nay hơn 50% số trạm xá đã được xây dựng kiên cố, 40% số xã có bác sỹ, 1 vạn dân có 6,2 bác sỹ. Hết năm 2005 có 30 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
- Công tác quốc phòng toàn dân được phát triển sâu rộng, an ninh chính trị ổn định và giữ vững. Hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn củng cố, trong 5 năm đã đào tạo bồi dưỡng cho 2.145 cán bộ công chức nhà nước và 11.223 cán bộ chính quyền cơ sở, có 9/9 huyện,   thị, thành phố, 129/180 xã phường, thị trấn đạt danh hiệu chính quyền vững mạnh. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và tổ chức hội, mối quan hệ phối hợp công tác giữa chính quyền với MTTQ và các tổ chức đoàn thể ngày càng chặt chẽ.
Mặc dù còn nhiều hạn chế, song những thành tựu đạt được trong những năm đổi mới, đặc biệt là những thành tựu trong những năm đầu thế kỷ XXI là những tiền đề quan trọng, là hành trang cho cán bộ, đảng viên nhân dân các dân tộc Yên Bái vững tin vào chính mình, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, tiếp tục đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới phấn đấu đạt chỉ tiêu năm tới là: Đẩy nhanh tốc độc tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển mạnh và làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế, với trung tâm là công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tỷ trọng nông lâm nghiệp giảm còn 28%, tỷ trọng công nghiệp xây dựng tăng lên 38%, dịch vụ 34%. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 8,5 đến 9 triệu đồng; tổng số vốn đầu tư phát triển khoảng 12.000 tỷ đồng. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố vững chắc.
Để thực hiện các mục tiêu chủ yếu đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Yên Bái phải kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, rút ra bài học kinh nghiệm thành công và không thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành. Nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, huy động tối đa nội lực, cương quyết chống lại tư tưởng bảo thủ, ỷ lại bao cấp, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư phát triển phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao và vững chắc, lấy công nghiệp và du lịch làm khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Tập trung vào sản xuất công nghiệp, khai thác chế biến khoáng sản, nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, những sản phẩm mà tỉnh có lợi thế, có sức cạnh tranh và nhu cầu của thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản phẩm cuối cùng, sản phẩm tốt, khai thác về tiềm năng du lịch sinh thái, lịch sử văn hóa, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch áp dụng tiến bộ trong sản xuất, dịch vụ sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ sinh học nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Xây dựng các doanh nghiệp nhỏ và vừa là chủ yếu. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng con người Yên Bái có sức khỏe, văn hóa, nâng cao trình độ chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng. Xây dựng Yên Bái thành tỉnh phát triển toàn diện, cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập kinh tế toàn cầu. Thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trải qua hơn 60 năm kể từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ Yên Bái đã không ngừng trưởng thành và phát triển. Những thành tựu mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Yên Bái, lực lượng vũ trang đạt được là rất to lớn. Từ một Ban cán sự Đảng ban đầu với vài chục đảng viên đến nay toàn tỉnh có 535 tổ chức cơ sở Đảng, 2.161 Chi bộ nhỏ với trên 32.000 đảng viên. Đảng bộ luôn đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đoàn kết thống nhất.
Ghi nhận quá trình phấn đấu hy sinh và cống hiến của Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh, ngày 23/6/2003 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định phong tặng cán bộ, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Tỉnh ta đã có 7/9 huyện, thị xã, thành phố, 12 xã, phường được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”, 1 huyện và nhiều đơn vị, cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng thời kỳ đổi mới”. Đó là thành quả từ trí tuệ, mồ hôi, xương máu của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh qua nhiều thế hệ.
Thực tế cách mạng của tỉnh Yên Bái đã khẳng định sự ra đời và lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh là bước ngoặt quan trọng. Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của phong trào cách mạng ở địa phương trong hơn 60 năm qua.
Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng trong thời kỳ chiến đấu giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nguyện đoàn kết một lòng khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, phấn đấu đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển trong khu vực miền núi Bắc Bộ, xứng đáng với danh hiệu cao quý: Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng./.

No comments:

Post a Comment