Điển hình là những trận đánh lịch sử diễn ra ở Đèo Gỗ (Đại Lịch), Khe Thắc trên Đèo Ách đã đi vào lịch sử đánh giặc giữ nước của người dân Yên Bái cuối thế kỷ 19. Cùng với phong trào Cần Vương thời kỳ này còn có cuộc khởi nghĩa của người Mông, người Dao do hai thủ lĩnh dân tộc là Đặng Phúc Thành và Giàng Nủ Lâu ở vùng thượng Châu Văn Chấn (nay là huyện Mù Cang Chải) tổ chức nhân dân đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp. Nhiều trận đánh của nghĩa quân các dân tộc đã giành được thắng lợi lớn như ở Tú Lệ, ngày 25/5/1892. Thủ lĩnh Giàng Nủ Lâu đã anh dũng hy sinh trong trận đánh ở Púng Luông. Sau cái chết anh dũng của thủ lĩnh người Mông Giàng Nủ Lâu là sự ra đời và trưởng thành của đội du kích Cao Phạ. Đây là đội du kích ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thành lập vào tháng 10/1946 để củng cố chính quyền cách mạng ở vùng cao.
Ngày đầu thành lập, đội chỉ có 7 đội viên, do ông Giàng Khua Kỷ là người dân tộc Mông, trước làm thống lý nhưng được cách mạng giác ngộ đã tham gia Ban chỉ huy đội du kích Cao Phạ cùng các đội viên: Lý Nủ Chu, Giàng Sống Tu, Giàng Sống Của. Mặc dù trang bị vũ khí của đội chủ yếu là súng kíp và các loại vũ khí thô sơ khác như: dao nhọn, mác, nỏ... nhưng đội đã nhanh chóng tập luyện quân sự để sẵn sàng đối phó với địch. Vừa tham gia luyện tập, 7 người trong đội đã nhanh chóng tuyên truyền, vận động thanh niên dân tộc Mông vào đội du kích theo cách mạng đánh Pháp.
Chỉ sau vài tháng tập luyện, quân số của đội đã tăng từ 7 lên 30 đội viên và sau này lên tới 200 đội viên đều là các nam, nữ chiến sĩ người dân tộc Mông của các xã trong huyện Mù Cang Chải. Với nhiệm vụ chủ yếu là chốt chặn con đường đèo Khau Phạ có chiều dài 20km chạy dọc địa phận xã Cao Phạ nối liền Nậm Khắt, xã Ít Ong (Sơn La) với các xã Tú Lệ, Gia Hội và thị xã Nghĩa Lộ. Ở địa thế hiểm trở, một bên vách núi, bên kia là vực sâu, bằng tinh thần chiến đấu gan dạ, thông minh, đội du kích trên đèo Khau Phạ đã tổ chức được nhiều trận đánh địch, lập nhiều chiến công vang dội, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch làm cho giặc Pháp kinh hoàng. Giặc Pháp đã tìm mọi thủ đoạn bao vây hòng tiêu diệt lực lượng du kích Cao Phạ.
Tháng 11/1947, Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức nhiều đội công tác và đội vũ trang tuyên truyền đi về các vùng địch tạm chiếm hoạt động và xây dựng cơ sở, phát động phong trào quần chúng đấu tranh chống Pháp. Một đơn vị do đồng chí Kim Sơn - Đại đội trưởng đại đội 520, thuộc quân chủ lực Trung ương đến huyện Mù Cang Chải, củng cố lực lượng của đội du kích Cao Phạ và phối hợp đánh chiếm đồn Tú Lệ năm 1948, tiêu diệt nhiều quân địch và thu về các chiến lợi phẩm.
Sau trận thắng đó, đội du kích Cao Phạ được trang bị thêm 50 khẩu súng các loại, lực lượng du kích cũng được củng cố vững chắc, tinh thần chiến đấu của cả đội lên rất cao và trở thành lực lượng nòng cốt của các đơn vị du kích trong huyện như: Lao Chải, Chế Tạo. Dựa vào địa thế rừng núi hiểm trở, đội du kích Cao Phạ luôn bám đất, bám dân, phối hợp cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và các đội du kích trong huyện anh dũng đánh giặc, lập nhiều chiến công xuất sắc. Điển hình là chiến dịch Lý Thường Kiệt năm 1951, 1952, đã tiêu diệt và phá vỡ kế hoạch càn quét của địch, đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động của khu du kích sang các xã bạn.
Ngày 18/10/1952, quân Pháp nhảy dù xuống Tú Lệ nhằm ứng cứu cho Nghĩa Lộ bị thất thủ, đội du kích Cao Phạ đã phối hợp với bộ đội chủ lực của ta chốt chặn và chiến đấu quyết liệt với quân địch ở đèo Khau Phạ, góp phần cùng quân và dân tỉnh Yên Bái làm nên chiến thắng Tây Bắc tháng 10/1952. Thời kỳ tiễu phỉ năm 1953, 1954, đội du kích Cao Phạ còn phối hợp tốt với bộ đội tiêu diệt, gọi hàng nhiều thổ phỉ, giữ vững chính quyền cách mạng, củng cố vững chắc hậu phương, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, quét sạch quân Pháp ra khỏi miền Bắc. Trong trận chiến đấu cuối cùng ấy, người đội trưởng Giàng Khua Kỷ đã anh dũng hy sinh.
Với 41 trận chiến đấu, trong đó có 16 trận chiến đấu độc lập, 25 trận đánh phối hợp với bộ đội chủ lực, đội du kích Cao Phạ đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng 125 tên địch, thu 150 khẩu súng các loại cùng nhiều quân trang, quân dụng khác của quân địch. Riêng người chỉ huy đội du kích anh hùng này là đồng chí Lý Nủ Chu đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Nhân dân xã Cao Phạ cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp.
No comments:
Post a Comment