Nói đến ông thầy trong vùng đồng bào Dao thì từ xưa đến nay nhiều người chỉ hiểu rằng họ là những người chuyên làm các nghi lễ cúng bái (thầy mo). Thực tế, việc thực hiện các nghi lễ cúng bái chỉ là một phần việc trong vai trò của một ông thầy.
Ông thầy, có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là những người thông thái của tộc người. Những người này có tiếng nói rất quan trọng trong cộng đồng vì họ là người hiểu sâu, biết rộng đọc thông nhiều kinh sách; biết giải thích các hiện tượng tự nhiên và xã hội dựa trên đặc trưng văn hóa phương Đông cổ xưa. Họ còn biết dạy việc canh nông, chữa bệnh, chọn đất lập làng, giữ làng; biết điều tiết hòa khí cộng đồng...
Đặc biệt, ông thầy còn phải là người gương mẫu trong lối sống và phải biết truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống cho mọi người. Với những khả năng như vậy, ông thầy luôn được trọng vọng trong cộng đồng người Dao.
Khi đến tuổi trưởng thành, đàn ông người Dao rất mong muốn được cấp sắc làm thầy. Để được cấp sắc, bản thân người muốn được làm thầy phải chịu khó tu dưỡng đạo đức và trải qua nhiều năm học thông thạo chữ nôm Dao; đọc hiểu nhiều loại sách, trong đó có các sách về lễ nghi, tín ngưỡng, phong thủy, cách hành lễ, canh nông, y học...
Khi đã đạt được các yêu cầu này thì mới tiến hành nghi lễ cấp sắc (tiếng Dao gọi là lễ Quá tăng-tức lễ phong đèn). Người mới được cấp sắc thì được phong ở mức 3 đèn và nếu muốn trở thành những ông thầy có hiểu biết uyên thâm, được trọng vọng nhất không chỉ ở phạm vi làng bản mà rộng ra cả cộng đồng người Dao thì các ông thầy luôn phải phấn đấu để phong dần theo các bậc 5 đèn, 7 đèn, 9 đèn,12 đèn. Trong quá trình phấn đấu này, sách và chữ viết là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với họ, bởi giỏi chữ thì mới đọc thông kinh sách và ngược lại, đọc thông nhiều sách thì kiến thức mới sâu rộng.
Khi tiếp xúc với các thầy mo trong dân tộc ít người ở Yên Bái, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, những ông thầy của người Dao đều có các sách viết bằng chữ nôm Dao và họ là đối tượng còn giữ lại được nhiều thư tịch cổ nhất. Điển hình như ông thầy Lý Hữu Vượng, Lý Hữu Điền ở xã Nậm Lành; ông Dương Tơ, Triệu Như Khoa ở xã Cát Thịnh (Văn Chấn); ông Lý Đức Vượng ở xã Yên Thành (Yên Bình); ông Bàn Văn Lý ở xã Viễn Sơn (Văn Yên)...
Nhờ có những bộ sách cổ mà người Dao giữ lại, đã giúp cho công tác nghiên cứu khoa học cũng như con cháu của người Dao hiểu được nguồn gốc tổ tiên của mình và quá trình di cư vào Việt Nam. Và trong số hàng loạt thư tịch cổ quý hiếm đó phải kể đến những cuốn như: “Bàn Vương thư” của dòng họ Bàn thuộc ngành Dao đỏ ở Yên Bái. Đồng bào Dao quần chẹt ở xã Cát Thịnh (Văn Chấn) còn giữ được cuốn “Đại thư” là cuốn sách nói về nghi lễ.
Cuốn “Quá sơn bảng văn Bình Hoàng thắng điệp” của dòng họ Phùng ở xã An Lạc (Lục Yên) lưu giữ, (được dịch là “Tờ giấy qua núi”) của vua Bình Hoàng (Trung Hoa) cấp vào năm thứ 12 niên hiệu Cảnh Định và có nội dung cho phép 12 ngành Dao được đi lại trên đất Trung Hoa để sinh cơ lập nghiệp. Người Dao quần chẹt ở vùng Trấn Yên còn lưu giữ được cuốn “Truyện Đặng Hành-Bàn Đại Hộ” cũng nói về lịch sử di cư và quá trình lập nghiệp ở Việt Nam.
Bên cạnh những cuốn sách trên, còn phải kể đến rất nhiều cuốn sách quý khác như cuốn “Thông thư” nói về phong thủy; lịch canh nông, chọn đất làm ruộng làm nương và chăm sóc cây trồng; cuốn “Phá lý” dạy về luân lý, đạo làm người và dạy về nghi thức hôn lễ; cuốn “Gia tính” của người Dao quần trắng liệt kê 100 dòng họ gồm hai bộ Trực âm và Triết tự, hướng dẫn mọi người tránh đồng hôn nội tộc...
Về văn hóa văn nghệ, người Dao cũng có rất nhiều sách quý như cuốn “Ca thư cổ cảnh”. Sách cổ của người Dao còn ghi chép được rất nhiều bài dân ca để hát Duống dảng và Hò dẳng là loại hình hát giao duyên của người Dao hoặc sách còn ghi chép nội dung các bài hát văn nghệ dân gian để hát theo thể loại Páo dung, Hò muột. Trong số các cuốn sách lớn mà nội dung được chép ở dạng thơ ca phải kể đến cuốn Bàn Vương thư, Đại gia thư, Đại lộ thư, Đặng Hành-Bàn Đại Hộ...
Cũng nhờ việc bảo tồn được văn tự cổ mà khoảng trên dưới 1 trăm năm trở lại đây, có nhiều ông thầy người Dao ở Yên Bái như ông Dương Sinh Cai-người Dao quần trắng, đã biên soạn sách thuốc tên là “Piên cho pẹ” để truyền cho con cháu. Ông Triệu Ấn Sam cũng là người Dao quần trắng soạn cuốn “Vạn niên” vào năm 1895.
Cuộc khởi nghĩa Giáp Dần chống Pháp vào năm 1913-1914 của đồng bào Dao, chủ yếu ở Yên Bái và một phần của các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang cũng đã được ghi chép lại bằng chữ nôm Dao, đó là cuốn “Quốc vương ca”... Từ khi có Đảng, ánh sáng của Đảng đến với đồng bào Dao, dù nhiều người chưa biết chữ quốc ngữ nhưng chữ nôm Dao đã giúp bà con sáng tác nhiều áng thơ văn ca ngợi Đảng, Bác Hồ và cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập dân tộc. Việc duy trì được chữ nôm Dao cũng đã giúp cho cộng đồng người Dao, ghi chép được gia phả, tộc phả một cách rất hệ thống và đầy đủ nhất trong số các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Điều thật đáng mừng là việc dạy chữ nôm Dao hiện nay vẫn được coi trọng và người dạy chữ vẫn là các ông thầy của người Dao. Hàng trăm trẻ em, thanh niên ở xã Nậm Lành (huyện Văn Chấn), xã Yên Thành hay xã Vũ Linh (huyện Yên Bình)...vẫn miệt mài học chữ nôm Dao. Lớp trẻ ngày nay học không chỉ đơn thuần để sau này tiến hành nghi lễ cấp sắc làm thầy theo phong tục từ ngàn xưa của người Dao mà họ học còn để tiếp cận các giá trị văn hóa mà cha ông để lại. Với mục đích ấy, chắc chắn chữ nôm Dao sẽ trường tồn và là yếu tố quan trọng để khơi dậy sức sống nội sinh trong văn hóa dân tộc Dao, đồng thời thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng người Dao.
No comments:
Post a Comment