Get Paid To Promote, Get Paid To Popup, Get Paid Display Banner

Wednesday, April 6, 2011

Văn Chấn - Mường Lò - Cái nôi văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc


Huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ là hai đơn vị hành chính lớn nằm ở phía tây tỉnh Yên Bái. Nơi đây, 13 dân tộc (Thái, Tày, Kinh, Mông, Dao, Mường, Giáy, Khơ Mú...) đã gắn bó với nhau từ xa xưa thành cộng đồng, dựng nên một vùng lịch sử, một vùng văn hóa đậm đặc, độc đáo Văn Chấn – Mường Lò.

Nói đến văn hóa vùng Mường Lò là nói đến văn hóa lúa nước, là văn hóa nông nghiệp. Dẫu có điểm khác nhau trong môi trường, sản xuất, văn hóa dân tộc đều giống nhau ở chỗ: đây là sinh hoạt cộng đồng (gia đình, làng bản) gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thiên nhiên như đất trời, sông núi, gió mưa, cây rừng, nguồn nước. Tất cả đều nhằm cầu sức khỏe, cầu mùa, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc. Tuy nhiên, do quá trình hình thành, phát triển và điều kiện sản xuất không đồng đều, tôn giáo tín ngưỡng có những khác biệt mà hình thành phong tục tập quán riêng.
Tại các làng quê, cho dù bản lớn, bản nhỏ, bản có cuộc sống giàu hay nghèo còn tồn tại đến ngày nay đều nhờ có văn hóa của làng, bởi “Làng còn thì văn hóa còn, văn hóa còn thì dân tộc còn theo nguyên lý chung. Điều đó thể hiện trong văn hóa ăn, mặc, ở; văn hóa ứng xử, văn hóa lễ hội, văn hóa học hành, đi lại... Sự đa dạng và phong phú của văn hóa như thế nên làng bản đua sắc đua tài, giao lưu, trao đổi với nhau làm cho đời sống tộc người, cộng đồng thêm sinh động, góp phần vào sự nghiệp “quốc thái dân an”, lành mạnh xã hội, củng cố các chuẩn mực đồng thời phát huy tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước của nhân dân ta. Với tinh thần ấy, di sản và bản sắc văn hóa có vai trò tích cực với sự phát triển nguồn nhân lực đất nước.

Bây giờ, đến với Mường Lò là đến với non xanh nước biếc, là đến với những di sản văn hóa phong phú, thấm đẫm bản sắc vùng miền. Đến với văn hóa dân tộc Thái đen (Táy đăm), họ có hội Chơi xuân Thẩm Lé, Xên bản xên Mường, Nàng Han, có Tết Síp xí, có hội Hạn khuống, Lồng tồng... Sau những lễ hội dân gian ấy là có khắp, có xòe, có tung còn. Tại cộng đồng dân tộc Mường ở Thanh Lương, Sơn A có hội Đu xuân, đu có đu chà, đu xe... Ở xã Nghĩa Sơn, sau tết là những lễ hội mang dáng dấp tôn giáo nông nghiệp sơ khai như lễ Rước mẹ lúa (Ma hạ gọ), lễ hội Mùa măng mọc. Nguồn gốc của Mùa măng mọc là Cây quấn hoa, ở đó cắm nhiều loại hoa.
Cùng với hoa là những con giống làm bằng nan tre, nứa nhuộm màu, các hạt ngũ cốc như thóc, ngô, đỗ. Cây quấn hoa trung tâm trong hội Mùa măng mọc là một loại cây vũ trụ - là ý thức mạnh mẽ của con người muốn chính mình chiếm lĩnh cả thiên nhiên đang nảy nở dưới ánh nắng mặt trời, cả đất đai đang hồi sinh. Trong lễ hội, trai gái, người già cầm tay nhau múa Tăng bu, tăng bảnh, hưn mạy, phôn tốc, tẹ cạ grang. Trở ra vùng ngoài Văn Chấn, đồng bào Tày có hội giã cốm (tăm khẩu mẩu). Những hội này thường diễn ra vào cuối hoặc đầu năm âm lịch. Hội Tăm khẩu mẩu ngoài ý nghĩa văn minh lúa nước, ý nghĩa phồn thực còn là nơi thể hiện lòng biết ơn của con cháu với tổ tiên (tâm linh), là cơ hội để “trai tơ gái tơ” đùa ghẹo, giao duyên mà nên vợ nên chồng.
Ở vùng cao Văn Chấn, nếu đến với người Dao xã Minh An hay Nậm Lành sẽ được dự lễ hội truyền thống Nhiàng chầm đao hoặc lễ Cấp sắc rất độc đáo của họ. Lễ Cấp sắc mang nhiều yếu tố tích cực bởi thông qua lễ, người thanh niên Dao đủ 18 tuổi sẽ được cộng đồng xác nhận là thành viên, người đó phải sống và có trách nhiệm công dân, có trách nhiệm với gia đình, dòng tộc và xã hội. Đây là tục cần duy trì, cần tổ chức theo đúng truyền thống. Văn Chấn, với dân tộc Mông, chủ yếu là Mông đen có hội Gầu tào, có tục Nhảy khèn, Đua ngựa mang tính nhân văn và rèn luyện sức khỏe cao.
Tại vùng thượng huyện, mùa xuân là mùa hát Tháng giêng (hình thức hát đố, hát giao duyên bên mâm rượu với những hộ trong bản, giữa trai gái với nhau). Tóm lại, Văn Chấn – Mường Lò là xứ sở, là cái nôi của nhiều lễ hội, ấy là chưa kể đến hàng chục, hàng trăm phong tục, tập quán hay, đẹp trong ăn, mặc, ở, ứng xử, học hành. Lễ hội, tập tục nào cũng hàm chứa tâm tưởng vừa kín đáo vừa lan tỏa. Mỗi lần có lễ hội, mỗi lần làm theo một tục nào đó là mỗi lần ý thức cộng đồng được bồi đắp và phát triển hiệu quả. Có thể lấy nhiều ví dụ.
Với người Tày, có tục Tông ngó, tức là tục kết bạn, kết phường để giúp nhau lao động sản xuất hoặc trong đời sống. Trên vùng cao, đồng bào Mông còn duy trì tục Chí nhả khúa, nghĩa là tục tìm, nhận cha mẹ nuôi cho những trẻ kém phát triển. Nhờ có cha mẹ nuôi (người đỡ đầu) mà đứa trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn. Đấy là chưa nói đến mối quan hệ bền chặt, mở rộng trong cộng đồng (ngoài ý nghĩa nhân văn). Ngoài ra, người Mông còn những tục hay như tục Cúng cầu nước, Ăn thề, Cầu may. Trong đời sống của tộc người Thái cũng có nhiều tục đẹp. Chẳng hạn như tục làm Tạy ho, Gội đầu ngày xuân... Người Giáy có tục Đón giao thừa, tục Hát phướn, Vươn Giáy, Đón dâu...
Lễ hội, tục là của làng, bản. Họ lo liệu và tổ chức để rồi cùng thụ hưởng. Đó là sự cộng cảm, cộng sinh, cộng mệnh lớn lao mà những ngày thường khó có thể có được. Vì thế, lễ hội, tập tục tốt, tích cực trở thành di sản văn hóa (phi vật thể) để ta tự hào, để biểu dương sức mạnh, để giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

No comments:

Post a Comment