Đặc trưng của khí hậu Yên Bái là nhiệt đới gió mùa, nắng và mưa nhiều, nền nhiệt cao. Nhiệt độ trung bình ít biến động trong năm (khoảng 18-20oC), cao nhất 37-39oC, thấp nhất 2-4oC. Gió thịnh hành là gió mùa đông bắc và gió mùa đông nam. Mưa nhiều nhưng phân bố không đều, lượng mưa trung bình 1.800 – 2.000mm/năm, cao nhất tới 2.204mm/năm và thấp nhất cũng đạt 1.106mm/năm. Một số vùng tiểu khí hậu vào tiết xuân thường có mưa dầm triền miên.
Các mùa chính trong năm
Khí hậu Yên Bái có 2 mùa rõ rệt gồm:
- Mùa lạnh: từ tháng11 đến tháng 3 năm sau, vùng thấp lạnh kéo dài từ 115 -125 ngày, vùng cao mùa lạnh đến sớm và kết thúc muộn nên dài hơn vùng thấp, vùng cao từ 1.500m trở lên hầu như không có mùa nóng, nhiệt độ trung bình ổn định dưới 20oC, cá biệt có nơi xuống 0oC, có sương muối, băng tuyết; thường bị hạn hán đầu mùa lạnh (tháng 12- tháng 1), cuối mùa thường có mưa phùn, điển hình là khu vực thành phố Yên Bái , Trấn Yên, Yên Bình.
- Mùa nóng: từ 4 đến tháng 10 là thời kỳ nóng ẩm, nhiệt độ trung bình ổn định trên 25o C, tháng nóng nhất 37- 380C, mùa nóng cũng chính là mùa mưa nhiều, lượng mưa trung bình từ 1.500 – 2.200 mm/năm và thường kèm theo gió xoáy, mưa lũ gây ra lũ quét ngập lụt. Sự phân bố ngày mưa, lượng mưa tùy thuộc vào địa hình theo hướng giảm dần từ Đông sang Tây theo địa bàn tỉnh. Theo thung lũng sông Hồng giảm dần từ Đông Nam lên Tây Bắc. Nhưng trong vùng thung lũng sông Chảy lại giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam.
Chế độ mưa
Yên Bái thuộc vùng có lượng mưa trung bình, theo số liệu của khí tượng thủy văn tỉnh, lượng mưa bình quân ở trạm Yên Bái là: 1.740,6 mm/năm; Văn Chấn 1.368,7 mm/năm; Mù Cang Chải 1.834,5 mm/năm.
Phân bố lượng mưa theo xu hướng tăng dần từ vùng thấp đến vùng cao và lượng mưa phân bố không đồng đều các tháng trong năm, tháng mưa nhiều nhất là tháng 5 đến tháng 9 (từ 114,8 đến 429,4 mm ); các tháng mưa ít nhất là tháng 12 đến tháng 3 (từ 1,1 đến 80,3 mm ).
Do lượng mưa không đều giữa các tháng (10,11,12) là mùa khô, lượng mưa trung bình chỉ đạt 16,7 mm/tháng nên gây ra hạn hán, thiếu nước cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
Vào mùa mưa, ở một số nơi lượng mưa quá lớn như Mù Cang Chải, Trạm Tấu và vùng trong huyện Văn Chấn gây lũ lụt, thiệt hại mùa màng, làm hỏng các công trình giao thông, thủy lợi.
Chế độ ẩm
Theo số liệu khí tượng thì độ ẩm tương đối, trung bình năm tại các trạm:
Yên Bái là 86%; Văn Chấn 83%, Mù Cang Chải 81%. Sự chênh lệch về độ ẩm giữa các tháng trong năm của các vùng trong tỉnh lệch nhau không lớn, từ 3- 50C. càng lên cao độ ẩm tương đối giảm xuống. Độ ẩm giữa các tháng có sự chênh lệch, do độ ẩm phụ thuộc vào lượng mưa và chế độ bốc hơi (chế độ nhiệt và chế độ gió), tháng có độ ẩm lớn nhất là tháng 2,3,4,5,6,7 từ 80%- 89%, những tháng có độ ẩm thấp nhất là tháng 11,12,1 có độ ẩm từ 77% 85%.
Yên Bái có lượng mưa hàng năm lớn, độ ẩm tương đối cao nên thảm thực vật xannh tốt quanh năm, thể hiện rất rõ tính chất gió mùa.
Các hiện tượng thời tiết khác
Sương muối: Xuất hiện chủ yếu ở độ cao trên 600m, càng lên sao số ngày có sương muối càng nhiều. Vùng thấp thuộc thung lũng sông Hồng, sông Chảy ít xuất hiện.
Mưa đá: Xuất hiện rải rác ở một số vùng, càng lên cao càng có nhiều mưa đá, thường xuất hiện vào cuối mùa xuân đầu mùa hạ và thường đi kèm với hiện tượng đông và gió xoáy cục bộ.
Ngoài ra ở các vùng cao trên 1000m thỉnh thoảng còn có băng tuyết vào cuối tháng mùa đông.
Các vùng khi hậu
Với các nét đặc trưng có thể chia Yên Bái thành hai vùng khí hậu lớn, có ranh giới được xác định bởi đường phân thủy của dãy núi cao theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, dọc theo hữu ngạn sông Hồng.Trong hai vùng lớn lại có tiểu vùng với những đặc biệt khác biệt.
Vùng phía Tây
Phần lớn vùng này có độ cao trung bình trên 700m, địa hình chia cắt mạnh, mang tính chất khí hậu á nhiệt đới và ôn đới, ít chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Có gió Tây Nam nóng, khô nên khí hậu vùng này có nét đặc trưng là nắng nhiều, ít mưa so với vùng phía Đông. Xuất phát từ các yếu tố địa hình, khí hậu, đặc thù có thể chia vùng này thành 3 tiểu vùng sau:
Tiểu vùng Mù Cang Chải: Vùng này có độ cao trung bình từ 900m, có nhiều nắng nhất tỉnh và chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Do độ cao địa hình lớn nên nhiệt độ thấp, nhiệt độ trung bình 18-200C, về mùa đông lạnh có khi xuống tới 00C.Tổng nhiệt độ năm 6.500-7.0000C, lượng mưa: 1.800- 2.000 mm/năm; độ ẩm 80% thích hợp phát triển cây trồng, vật nuôi vùng ôn đới.
Tiểu vùng Tây Nam Văn Chấn: Vùng này có độ cao trung bình 800m, phía Bắc nhiều mưa, phía Nam là vùng ít mưa nhất tỉnh. Nhiệt độ trung bình là 18-200C, mùa đông nhiệt độ xuống tới 10C, lượng mưa 1.800mm/năm, độ ẩm 84%. Thích hợp trồng cây và vật nuôi vùng á nhiệt đới và ôn đới.
Tiểu vùng Văn Chấn – Tú Lệ: Độ cao trung bình vùng này 250-300m, có thung lũng Mường Lò với diện tích trên 2.200 ha, nhiệt độ trung bình 22-230C, tổng nhiệt độ cả năm 8.0000C, độ ẩm 83% thích hợp phát triển cây lương thực, cây công nghiệp chè, đặc biệt chè tuyết vùng cao, quế, cây ăn quả và cây lâm nghiệp.
Vùng phía Đông
Khí hậu này chịu ảnh hưởng nhiều của gió mùa Đông Bắc, mưa nhiều về cả số ngày và lượng mưa. Mưa phùn kéo dài ở thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên. Nhiệt độ trung bình 21-220C, lượng mưa bình quân 1.800-2000mm/năm, thích hợp phát triển cây nông nghiệp; lương thực, thực phẩm; cây công nghiệp, cây ăn quả, chè, cà phê; phát triển thuỷ sản... có hai tiểu vùng sau:
Tiểu vùng Nam Trấn Yên - Văn Yên - Thành phố Yên Bái - Ba Khe; thuộc thung lũng sông Hồng, dưới chân hệ thống núi Hoàng Liên Sơn - Pú Luông, nhiệt độ trung bình 23-240C, tổng nhiệt độ 8.0000C, lượng mưa bình quân 1.800-2.200 mm/năm và vùng có mưa phùn kéo dài trong thời kỳ đầu năm.
Tiểu vùng Lục Yên- Yên Bình: Thuộc thung lũng sông chảy- hồ Thác Bà, là vùng có diện tích mặt nước nhiều nhất tỉnh ( hồ Thác Bà diện tích 19.050 ha), có khí hậu ôn hòa, có điều kiện thuận lợi phát triển nông- lâm nghiệp, thủy sản và du lịch.
No comments:
Post a Comment